Chiều 29-5, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về báo cáo chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) thông tin, qua phản ánh của cử tri ngành y tế, đó là hiện nay bác sĩ không phải là người quyết định điều trị như thế nào mà nhân viên ngành bảo hiểm - những người không có chuyên môn lại có ý kiến về việc phải điều trị thế nào cho người bệnh. Trong đó, có nhân viên bảo hiểm chất vấn bác sĩ tại sao bệnh này lại kê thuốc này mà không phải thuốc khác, tại sao bác sĩ điều trị chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân, tại sao bác sĩ khám nhiều bệnh nhân... khi làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: QUANG PHÚC |
Một tồn tại khác, đại biểu Nguyễn Tri Thức (TPHCM) chỉ ra, trong giai đoạn phòng chống dịch, một số cơ sở y tế nhận được sự hỗ trợ bằng tiền mặt từ doanh nghiệp, người dân. Hiện nay, trong tài khoản của các cơ sở y tế vẫn còn nguồn tiền hỗ trợ này và chưa nhận được hướng dẫn xử lý nguồn tiền này. Vì vậy, đại biểu đề xuất cho phép các cơ sở y tế chuyển nguồn tiền này sang quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Về thể chế, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) kiến nghị, cần đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế công lập. Đại biểu cũng đề nghị có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, vaccine tiêm chủng cho trẻ và người dân.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị đầu tư cho tế cơ sở, y tế dự phòng để tăng cường năng lực khám chữa bệnh và năng lực dự phòng; sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục tình trạng bác sĩ không phải là người ra toa thuốc mà chính là nhân viên bảo hiểm y tế.
Đối với y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Tri Thức nêu ý kiến, trong đầu tư trạm y tế không thể cào bằng mà phải tập trung đầu tư ở các vùng sâu vùng xa, nơi người dân có điều kiện tiếp cận y tế gặp khó khăn.
Trong khi đó, tại TPHCM và TP Hà Nội có điều kiện tiếp xúc y tế ban đầu tốt và người dân di chuyển lên y tế tuyến trên tốt thì mạnh dạn không cần có trạm y tế. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đề án luân chuyển bác sĩ có kinh nghiệm về trạm y tế cấp xã và bác sĩ phải xem đây là trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người dân.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, thời gian tới tiếp tục rà soát để xử lý các vướng mắc, tồn tại trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khắc phục những bất cập, tồn tại hạn chế và giải pháp nâng cao năng lực toàn diện hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề nghị, Quốc hội nghiên cứu và giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh thành trong những trường hợp chống dịch như chống giặc, khẩn cấp để kịp thời, đảm bảo cứu dân vì “nước xa không cứu được lửa gần”.
Tâm lý sợ sai ngày càng nặng, lan rộng
Theo đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), đại dịch Covid-19 đi qua bên cạnh những thắng lợi còn để lại nhiều điều suy nghĩ, tâm trạng xã hội nặng nề. Trong đó, xuất hiện càng nhiều và nặng hơn căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, thụ động, dè chừng ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải quan tâm căn bệnh này để có giải pháp điều trị dứt. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích cán bộ tự tin làm việc.