ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị bổ sung trong Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nguyên tắc quan tâm đến quyền tiếp cận thi đua, khen thưởng của người yếu thế, bao gồm người khuyết tật, người cao tuổi, người có khó khăn trong nhận thức tuy nhiên trong hành động thì rất đáng được khen thưởng. Đại biểu Tô Thị Bích Châu phát biểu tại thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh tổ chức thi đua khen thưởng cũng cần tránh hình thức, lạm dụng việc này hoặc để được đặc quyền đặc lợi. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào điều 12 của luật về hành vi nghiêm cấm “cản trở, gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thi đua, khen thưởng”. |
Ngày 23-10, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, các ĐBQH TPHCM tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV, ĐBQH khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng các ĐBQH tham gia phiên họp và thảo luận.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tại thảo luận tổ, ngày 23-10-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đề xuất có thư khen
Tham gia thảo luận, góp ý trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong danh hiệu “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” là cần thiết tuy nhiên cần rà lại các tiêu chí, làm rõ cụ thể hóa hơn các tiêu chí để đạt được danh hiệu này, trong đó đề cao sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm, hiệu quả cao, lan tỏa và học tập được.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, đối với tiêu chí “có thành tích xuất sắc và toàn diện trên các lĩnh vực…” có thể xem xét đặc biệt, xuất sắc, nổi bật so với các địa phương ở trong cùng khu vực hoặc cùng địa bàn.
Đối với tiêu chí “năng động sáng tạo là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, là động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực và cả nước” sẽ rất khó đạt được ở các tỉnh nông thôn, miền núi khi so với các tỉnh, thành phố lớn khác. Do đó nên xem xét ở yếu tố tính xuất sắc, phương pháp làm, mô hình hay cho nơi khác học tập.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đánh giá thư khen giúp lan tỏa, động viên rất kịp thời. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với thư khen, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây là hình thức tốt nhưng không nên khen đại trà, không phải cấp nào cũng làm thư khen mà chỉ nên làm từ từ cấp tỉnh trở lên.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, thư khen giúp lan tỏa, động viên rất kịp thời. Về thẩm quyền đề xuất khen thưởng, đại biểu đề xuất, nếu cơ quan thẩm định không đồng thuận với ý kiến của cơ quan trình hồ sơ phải có văn bản trả lời phải nêu rõ ràng theo quy định để tránh sự tùy tiện.
Đại biểu, Thiếu tượng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM đề nghị nên giữ lại hình thức khen thưởng “đột xuất” đối với các hình thức khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất để góp phần động viên kịp thời những hành động anh hùng, nhất là trong thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã có nhiều tập thể, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, sức lan tỏa trong toàn quốc.
ĐB Phan Văn Xựng phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về vấn đề này, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đồng tình trong việc khen đúng người đúng thành tích. Tuy nhiên trong luật cần quy định rõ chi tiết hoặc có hướng dẫn trong việc quy định khen thưởng đột xuất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua.
Theo ĐB Tô Thị Bích Châu, trong đợt dịch vừa qua có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cả nghìn tỷ đồng, có những doanh nghiệp cá nhân đã vượt qua những khó khăn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch từ hỗ trợ trang thiết bị y tế kịp thời, hỗ trợ vaccine… thì được đề xuất danh hiệu thế nào?. Do đó cần có quy định cụ thể hóa việc này để địa phương đề xuất khen thưởng.
Rất xứng đáng công nhận liệt sĩ
ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM bày tỏ công tác thi đua khen thưởng tại TPHCM nhìn chung đã động viên tinh thần lao động, học tập, chiến đấu của cán bộ công viên chức, người lao động… Đại biểu nêu ý kiến, qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, khen thưởng nhanh từ trung ương đến các địa phương chưa đáp ứng được với thực tế.
Trong thời gian vừa qua, tinh thần chiến đấu, đoàn kết chung sức chống dịch rất cao, kể cả từ lực lương tuyến đầu, quân đội, công an và đặc biệt là y tế, người dân, các tình nguyên viên, doanh nghiệp… đã vào cuộc với hơn 200% sức lực.
Thời điểm đó, theo ĐB Trần Hoàng Ngân rất cần động viên khen thưởng kịp thời nhưng việc này còn làm chậm, bên cạnh đó theo quy định khen thưởng phải có chỉ tiêu trong khi thời điểm đó, nhất là các lực lượng y tế đã ngày đêm quên mình chiến đấu với dịch bệnh, tất cả đều xứng đáng được khen thưởng kịp thời.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, lực lượng hy sinh trong chống dịch Covid-19 rất xứng đáng được công nhận là liệt sĩ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, đối với quy định các danh hiệu trong dự thảo luật, chiếu theo thực tế đội ngũ y bác sĩ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu phố rất dũng cảm trong đợt dịch vừa qua có thuộc diện được Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hay không? Đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ, tổ trưởng tổ dân phố… hy sinh có được xét công nhận liệt sĩ hay không?
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, những người hy sinh này rất xứng đáng được công nhận là liệt sĩ. Đồng thời cho rằng cần phải tri ân, vinh danh thật nhanh lực lượng tham gia chống dịch vừa qua và có những khen thưởng “khẩn cấp” chứ không thể theo quy trình.
Phim trên mạng: Bổ sung giải pháp người xem báo cáo vi phạm
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, thống nhất phải sửa đổi luật điện ảnh bởi vì luật hiện hành đã rất cũ và có nhiều vấn đề thực tế mà luật không điều chỉnh, theo kịp thực tế, bên cạnh xuất phát từ yêu cầu hiệu quả hơn trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Cụ thể theo đại biểu, về chính sách phát triển điện ảnh, đề nghị bổ sung các hoạt động đầu tư phim trường, bổ sung chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phim trường từ đó thu hút các nhà đầu tư, có những phim trường hiện đại vừa để phục vụ sản xuất phim trong nước, vừa phục vụ cho các nhà sản xuất phim nước ngoài đến thuê…
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Chính phủ quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề xuất Quốc hội nghiên cứu thêm để không ràng buộc hệ thống rạp chiếu phim phải phổ biến phim.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, hiện nay có những doanh nghiệp chỉ muốn kinh doanh hạ tầng rạp chiếu phim, sau đó cho thuê lại hạ tầng để các đơn vị khác chiếu phim, phổ biến phim, việc này giúp phát triển hệ thống rạp chiếu phim nhất là ở các tỉnh.
Đại biểu cũng bày tỏ hiện nay các phim chiếu trên mạng rất nhiều, do đó các cơ quan quản lý không đủ sức làm 2 việc tiền kiểm và hậu kiểm phim. Do đó đề nghị Chính phủ quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng. Trong đó quy định phải có trách nhiệm quản lý, gỡ bỏ phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời cần quy định mức phạt thật sự đủ sức răn đe, nghiêm đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phổ biến phim và tổ chức phổ biến phim. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị bổ sung giải pháp để người dùng, người xem có báo cáo vi phạm, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nền tảng phổ biến phim chịu trách nhiệm đưa giải pháp này đến người xem đánh giá phim có vi phạm hay không.