Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Các ý kiến đều đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, không ngừng nghỉ của Chính phủ để đạt được các kết quả điều hành khá toàn diện, nhất là đối với các công trình dự án quan trọng, các dự án trọng điểm quốc gia của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội (ĐB) cũng phản ánh, góp ý nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là các giải pháp để “vực dậy” doanh nghiệp.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022, bình quân một tháng có gần 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Đó là thực tế đáng suy ngẫm.
Theo ĐB Hữu Thông, thế giới bất ổn, sức chống chọi bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, các chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục còn rườm rà… đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Do đó, ĐB Nguyễn Hữu Thông đề xuất Chính phủ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Theo ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
ĐB đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép các luật mới được thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế. Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay. Song song đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
ĐB Hoàng Quốc Khánh cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua; tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế”, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) dẫn báo cáo của Chính phủ: vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ cần bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đặc biệt, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng, do đó cần đẩy nhanh các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Góp ý thêm, ĐB Trần Thị Quỳnh (Nam Định) cho rằng, trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách. Đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa, chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. ĐB đề nghị nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) bày tỏ lo lắng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đầu tư khu vực tư nhân giảm, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường thấp hơn số rút lui. Mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp là khó đạt được. ĐB đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.