Sáng 29-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Về việc không quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ, đại biểu Quốc hội (ĐB) Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phân tích, với tốc độ tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử, khối lượng hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ đang ngày càng lớn.
Theo ĐB, nhiều quốc gia trên thế giới đã loại bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ nhằm giảm thiểu thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh.
ĐB Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh, mặc dù từng đơn hàng có giá trị nhỏ, tổng lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua hình thức này lại rất lớn. Việc miễn thuế cho hàng hóa này sẽ dẫn đến thất thu thuế đáng kể.
Đồng thời có thể xuất hiện tình trạng “xé nhỏ” giá trị đơn hàng để tránh thuế, gây khó khăn trong công tác quản lý thuế.
Bên cạnh đó, ĐB cũng bày tỏ lo ngại rằng việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước, khi mà hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế sẽ có giá thành rẻ hơn, dễ cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước.
Thêm vào đó, thủ tục hải quan cho các loại hàng hóa này diễn ra nhanh chóng hơn, giúp tăng tính cạnh tranh và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong nước.
ĐB lưu ý rằng, trong thời gian gần đây, một số sàn thương mại điện tử nước ngoài đã bán hàng với mức giá rất cạnh tranh, gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Vì vậy, ĐB Hoàng Minh Hiếu đề nghị không miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thông qua thương mại điện tử.
Có cần thiết áp thuế 5% đối với phân bón?
Về mức thuế áp dụng đối với phân bón, các ĐB đã có những ý kiến trái chiều, nhằm tìm ra phương án hợp lý nhất để bảo vệ lợi ích của người nông dân và đảm bảo tính ổn định trong sản xuất nông nghiệp.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) không đồng tình với việc áp thuế suất 5% đối với phân bón. ĐB phân tích, nếu áp thuế, ngành nông nghiệp và người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ĐB, người nông dân đã cơ cực, họ được mùa thì mất giá. Cho nên việc áp thuế suất 5% nữa thì họ càng gặp khó khăn khi vật tư phân bón tăng giá, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Đồng tình ý kiến này, ĐB Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhận định rằng, phân bón là đầu vào thiết yếu trong nông nghiệp, việc không áp dụng thuế suất 5% sẽ là một hình thức hỗ trợ thiết thực cho người nông dân.
Theo ĐB, nếu áp dụng thuế, chi phí sản xuất sẽ tăng, kéo theo giá thành nông sản cao hơn, gây tác động bất lợi cho cả nông dân lẫn người tiêu dùng.
“Miễn thuế phân bón sẽ góp phần vào việc ổn định giá cả nông sản trên thị trường, giảm gánh nặng chi phí cho người nông dân”, ĐB Thạch Phước Bình nhận định.
Trong khi đó, một số ý kiến ĐB đồng tình với dự thảo luật là áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cùng đồng tình việc áp thuế suất này.
Việc này nhằm hỗ trợ đầu tư sản xuất phân bón trong nước. Đồng thời, việc áp thuế này đều có lợi cho cả 3 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông).
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhấn mạnh rằng, việc áp thuế 5% đối với phân bón không chỉ có lợi cho người nông dân mà còn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Theo ĐB, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, tinh thần “tự lực, tự cường” là yếu tố then chốt để duy trì sự tự chủ và phát bền vững trong nền kinh tế.
Điều này đòi hỏi ngành phân bón và ngành thức ăn gia súc trong nước phải trở nên vững mạnh và có thể cạnh tranh, không thể mãi lệ thuộc vào nguồn cung từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Vì vậy, các chính sách thuế phù hợp sẽ khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững và có tính cạnh tranh cao.
Theo số liệu thống kê vào tháng 3-2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Bình quân mỗi đơn hàng này có giá trị khoảng 200.000 đồng, đưa tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu lên tới 800 tỷ đồng mỗi ngày. Con số này có khả năng tiếp tục gia tăng khi Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất thế giới.