Đại biểu Quốc hội kiến nghị xử lý “phông bạt” tiền từ thiện

Sáng 4-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Kiến nghị sớm có luật về tổ chức, hoạt động từ thiện

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhấn mạnh những giá trị cao quý của tình đoàn kết, tương thân tương ái khi hàng ngàn tỷ đồng và vật tư, nhu yếu phẩm được các tổ chức, cá nhân quyên góp để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

b6c58390bb6803365a79.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp sáng 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Những câu chuyện ấm áp về tinh thần thiện nguyện đã xuất hiện khắp nơi, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào sâu sắc.

Tuy nhiên, ĐB cũng chỉ ra những thách thức trong việc đảm bảo cứu trợ đến đúng người, đúng nơi cần thiết và lên án mạnh mẽ hành vi lợi dụng thiên tai để trục lợi.

ĐB cho biết, có những trường hợp giả danh nạn nhân hoặc lợi dụng hình ảnh thiệt hại do thiên tai để kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt tiền của. Hiện tượng một số nghệ sĩ bị nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện cũng làm dấy lên sự mất lòng tin từ công chúng, khi các báo cáo thu - chi thiếu minh bạch và không đầy đủ hóa đơn chứng từ.

041120241023-z5997447867918_676872747b02f8137acf3bd8a9f00237.jpg
ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình). Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng với đó, một số cá nhân đã lợi dụng việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ bà con khắc phục hậu quả bão số 3, để chỉnh sửa hình ảnh, thổi phồng số tiền quyên góp nhằm đánh bóng tên tuổi.

Khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công khai sao kê tiền quyên góp để đảm bảo minh bạch; thì từ khóa “phông bạt” đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, phê phán lối sống giả tạo và khoe mẽ, dẫn đến nhiều cá nhân trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ.

Theo ĐB Nguyễn Văn Huy, những hành vi lợi dụng thiên tai để trục lợi không chỉ vi phạm đạo đức và pháp luật mà còn làm tổn thương niềm tin của cộng đồng.

cfac5fbf1844a01af955.jpg
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC

Tranh luận về cách thức cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, cần nhìn vào sự thật, còn rất nhiều bài học rút ra để có thể giảm hơn nữa mất mát, đặc biệt là về người.

Vấn đề đầu tiên, theo ĐB, là cần rút kinh nghiệm về việc phân phối hàng cứu trợ, tránh tình trạng “chỗ cần không có, chỗ lại thừa, thậm chí phải chôn hàng tấn thức ăn vì không kịp phân phát”.

ĐB cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì; số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương.

ĐB Nguyễn Văn Huy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, nhằm duy trì sự công bằng trong hoạt động từ thiện và củng cố niềm tin của người dân; kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng và ban hành luật về tổ chức và hoạt động từ thiện, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động cứu trợ, từ thiện diễn ra minh bạch, chuyên nghiệp hơn.

Siết chặt việc mua bán xe đạp điện

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, số vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra chưa nhiều nhưng có nhiều vụ rất nghiêm trọng, để lại hậu quả thương tâm cho gia đình và xã hội...

Với sự gia tăng nhanh về số lượng, chủng loại và người điều khiển chủ yếu là lứa tuổi học sinh, xe đạp điện là phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và tai nạn giao thông.

2529b8acde55660b3f44.jpg
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk). Ảnh: QUANG PHÚC

Trước tình hình đáng báo động trên, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, Chính phủ sớm ban hành nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực.

Trong đó, cần chú ý đến việc hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động của xe thô sơ, nhất là xe đạp điện; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp tỉnh đồng bộ, thống nhất trong việc ban hành các quy định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ; khắc phục tối đa những vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý hành vi vi phạm.

ĐB cũng đề nghị, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, lực lượng cảnh sát kinh tế, hải quan, cục thuế, quản lý thị trường trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe đạp điện. Đặc biệt là siết chặt, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, mua bán những loại xe không đảm bảo chất lượng trên thị trường.

Nghiên cứu gói phục hồi kinh tế sau bão số 3

Về việc các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão Yagi (bão số 3), ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nghiên cứu có gói phục hồi kinh tế sau bão số 3 cho các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn tăng thu.

Ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cần ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.

Tin cùng chuyên mục