Ngày 27-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự án luật này.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, nhiều nội dung, tư tưởng mới của luật mới được triển khai thực hiện, chưa có đủ thời gian để tổng kết, đánh giá phục vụ việc sửa đổi.
Vì vậy, trong sửa đổi luật lần này, Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tập trung thể chế hóa chỉ đạo của Ban Bí thư theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành luật.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng, đa số vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải xuất phát từ quy định của luật, mà là do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm; một số vấn đề khác cũng mới được thực hiện. Theo ông, báo cáo đánh giá tác động vẫn khá “định tính, chủ quan”, chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian trình, hồ sơ dự án...
Có ý kiến khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, cần rà soát để sửa đổi những quy định còn vướng mắc, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội phát huy sáng kiến pháp luật.
Từ thực tiễn đã từng chủ trì trình dự án Luật Hành chính công trước đây, bà Trần Thị Quốc Khánh nhìn nhận, nhiệm kỳ Quốc hội này đã có nhiều chuyển biến trong việc ủng hộ, hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện sáng kiến lập pháp, nhưng các quy định hiện hành lại rất hạn chế, từ việc thành lập ban soạn thảo cho đến con dấu, thủ tục, kinh phí…
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng lưu ý đến tình trạng lạm dụng quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” để đề nghị bổ sung hoặc rút dự án luật ra khỏi chương trình, dẫn đến việc nhiều dự án được đề nghị bổ sung ngay sát kỳ họp, ảnh hưởng đến chất lượng xem xét, góp ý nội dung dự án luật.
“Các quy định về thời hạn trong quy trình xây dựng luật liên tục bị vi phạm. Việc đưa dự án vào chương trình hay rút ra cần phải căn cứ vào chất lượng của dự án, tránh tình trạng phải cố làm vì đã có trong chương trình”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 (tháng 3-2020).