ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra bằng chứng cụ thể này để củng cố quan điểm cần tổ chức lại các cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
“Với việc sửa luật lần này, Nhà nước sẽ lập được một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng bằng nguồn nhân lực rút từ các bộ phận được giải tán khi bỏ Điều 71 của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Trách nhiệm phòng chống tham nhũng của các cơ quan từ thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án… đều đã được quy định, nhưng còn chung chung trong khi thực tế ai cũng biết là khả năng tự phát hiện, đấu tranh với tham nhũng trong nội bộ các cơ quan hiện vẫn là khâu yếu. Phải tổ chức lại thế nào để kiểm soát lẫn nhau một cách hiệu quả”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.
Cho biết thời gian qua, ĐB nhận được nhiều thư nặc danh tố cáo về hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm toán, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói: “Tôi đang cầm một lá đơn đây, doanh nghiệp nêu rõ, mỗi đoàn thanh kiểm tra xuống, công ty đều phải bỏ "phong bì" 10-20 triệu đồng/lượt. Thậm chí nhận tiền rồi, thanh tra vẫn “gợi ý” ở cơ quan có 2-3 người khác cùng phụ trách vụ việc/địa bàn này nữa, rồi gợi ý là nên có quà mang về cho sếp, hoặc nếu vi phạm của doanh nghiệp chỉ nhỏ nhỏ, không moi được thì đoàn thanh kiểm tra lại dọa cung cấp thông tin họ có được cho báo chí. Vậy nên kiểu gì doanh nghiệp cũng phải chi tiền”.
ĐB Thúy cũng nhắc lại câu chuyện “người thực việc thực”, tại một hội nghị diễn ra gần đây, khi lãnh đạo một doanh nghiệp đăng đàn nói rõ là trong 20 ngày của tháng đó, công ty của ông phải tiếp 7 đoàn thanh, kiểm tra khác nhau. Doanh nghiệp thậm chí phải lập riêng một bộ phận chuyên để tiếp thanh tra, kiểm toán…
“Nói như vậy để thấy luật này còn thiếu cơ chế để ngăn chặn việc chính lực lượng phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng, cũng giống như thực tế có tội phạm trong chính các cơ quan phòng chống tội phạm - như đã bộc lộ nhiều thời gian qua”, ĐB Thúy thẳng thắn bình luận.