Từ vụ sập hầm vàng tại hang Cột Cờ, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), bên hành lang Quốc hội sáng nay 6-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lên tiếng về thực trạng buông lỏng đến nhức nhối này.
Suốt đêm 5-11, các lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm 2 người bị mắc kẹt tại bãi khai thác vàng ở xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) nhưng chưa thể tiếp cận được vị trí nạn nhân.
Nguyên nhân do trong hang sâu chứa đầy bùn đất nên công tác cứu hộ của địa phương vẫn chỉ dừng lại ở việc bơm nước, hút bùn từ hang ra bên ngoài nên chưa biết khi nào kết quả tìm kiếm mới khả thi hơn…
Các nạn nhân bị mắc kẹt là anh Trương Công Chánh (26 tuổi, quê tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) và anh Bùi Văn Thú (28 tuổi, quê tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Vụ tai nạn đã xảy ra từ khoảng 2 giờ sáng 4-11 khi đập nước ngoài cửa hang vàng bị vỡ, nước cuốn theo đất đá tràn vào hang bịt kín lối ra ngoài.
Vụ sập hầm vàng tại tỉnh Hòa Bình không phải là lần đầu tiên mà nhiều năm qua đã từng xảy ra các vụ tương tự ở Hòa Bình, Lào Cai và nhiều nơi khác trên cả nước.
Bên lề Quốc hội sáng nay, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang thực hiện công tác cứu hộ. Mục tiêu trước mắt là tìm kiếm những nạn nhân được coi là mất tích trong vụ việc này. Các cơ quan chức năng bước đầu kết luận đây là khai thác khoáng sản trái phép và đã chuyển đến hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra xử lý.
Trước thực trạng khai thai thác khoáng sản trái phép diễn ra âm thầm, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, đây cũng là vụ việc khá điển hình trong thời gian vừa qua đối với tình trạng khai thác khoáng sản nói chung, khai thác khoáng sản quý hiếm nói riêng xảy ra trên cả nước và ở một số nơi của tỉnh Hòa Bình đã được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập.
“Tôi cho rằng cần phải có biện pháp quản lý tích cực hơn nữa để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ngăn chặn tình trạng này sẽ ngăn chặn tình trạng chảy máu, rút ruột tài nguyên quốc gia, đồng thời đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân, cũng như bảo vệ tốt môi trường ở những khu vực có khoáng sản”, ông Sinh lên tiếng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng lên tiếng: Việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều nơi, ở nhiều lĩnh vực. Trên dòng sông thì khai thác cát sỏi, rồi trên núi rừng thì khai thác vàng, kim loại, quặng.
“Ở đây nói quy trách nhiệm cho người đứng đầu là đúng nhưng chưa triệt để”, ông Phương đưa ra ý kiến khi cho rằng có những hoạt động khai thác mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát xuể, ví dụ khai thác trầm, khai thác vàng khi cơ quan chức năng tổ chức truy quét thì họ rút nhưng sau đó lại quay lại lén lút hoạt động. “Vì thế, nếu quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì cũng không nên nhưng cũng phải nhắc người đứng đầu giao yêu cầu cho từng địa bàn, từng vị trí xảy ra khai thác trái phép để tập trung quán triệt, vấn đề quan trọng là giáo dục ý thức cho người dân”.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị, từ câu chuyện khai thác vàng trái phép ở Hòa Bình cần rà soát việc khai thác các loại khoáng sản trên cả nước như: khai thác than, đất đá, cát sỏi… để đánh giá toàn diện và có biện pháp chấn chỉnh. Qua vụ việc xảy ra ở tỉnh Hòa Bình, cần nhìn nhận 2 vấn đề, đó là người tổ chức khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật là rất rõ, thứ hai là việc quản lý không chặt chẽ, để cho các đối tượng ngang nhiên hành động, coi thường pháp luật, nếu để xảy ra chết người là rất nghiêm trọng.
“Các chủ bưởng vàng, các đầu nậu vi phạm pháp luật, đó là loại vi phạm khác. Còn vi phạm của cơ quan chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm chỉnh quy định về quản lý khoáng sản nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội, đặt câu hỏi: “Có hay không lợi ích nhóm và thông đồng ở đây?”