Ngày 10-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Gỡ vướng cho người Việt ở nước ngoài
Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đồng thời, bổ sung quy định về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.
Các đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ ngày 10-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Góp ý về quy định này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam là việc quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cho rằng hiện nay có một số bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân và gặp khó khăn khi muốn về quê hương. ĐB đề nghị, bổ sung quy định để có cơ sở pháp lý, điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương một cách chính đáng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân. Ảnh: QUANG PHÚC |
Một trong những nội dung lớn của dự thảo luật được nhiều ĐB quan tâm là việc bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đồng tình việc này, qua đó giúp người dưới 14 tuổi thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự của họ, qua đó giải quyết vấn đề vướng mắc trong việc cấp mã số định danh cho nhóm này.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho biết thêm, hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số và tích hợp tất cả trường thông tin của công dân vào căn cước công dân để qua đó đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình người dân thực hiện các giao dịch dân sự.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC |
Điều này sẽ giải quyết được câu chuyện người dưới 14 tuổi đi lại bằng phương tiện máy bay... không cần phải mang theo giấy chứng sinh hoặc kèm thêm giấy tờ xác nhận khác nếu không đi cùng cha mẹ. Mặt khác, quy định hiện nay, người dưới 14 cũng được phép có những quan hệ giao dịch dân sự nhất định về mặt tài sản...
Như vậy, họ chỉ cần có căn cước là có thể thực hiện được các giao dịch dân sự này một cách dễ dàng, thuận lợi. Đây là những quy định nhằm mở rộng nhu cầu của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số.
Cần ghi quê cha và quê mẹ
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng góp ý về thông tin quê quán ghi trên thẻ căn cước. Theo ĐB, lâu nay quy định quê quán là quê cha mà không có quê mẹ thì có hợp lý không?
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB cho rằng, việc chỉ ghi quê cha thì có ý nghĩa gì và tại sao chỉ ghi quê cha mà không ghi thêm quê mẹ. Từ đó ĐB đề nghị nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc này, cần thiết ghi thêm quê mẹ.
Đồng tình, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, thông tin quê mẹ có ý nghĩa rất lớn nên cần ghi cả quê cha và quê mẹ.
ĐB Nguyễn Minh Đức cũng đồng tình và đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần tính toán ghi đầy đủ hai trường thông tin này. Mục đích cuối cùng là phải có đầy đủ các trường thông tin của người dân trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và dữ liệu chuyên ngành khác.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QUANG PHÚC |
Góp ý về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nhìn nhận, văn hóa con người rất chú trọng nơi họ được sinh ra, thể hiện nguồn gốc của một người sinh ra ở đâu. Vì vậy, ĐB cho rằng thông tin nơi sinh rất quan trọng và nên có hai trường thông tin nơi sinh và nơi đăng ký thường trú trên thẻ căn cước.
ĐB cho rằng, quá trình con người sinh sống ở một nơi nào đó cũng rất quan trọng. Vì vậy trong quản lý nhà nước cần thiết phải quản lý di cư của con người đó. Khi công an cần thông tin về công dân thì trên cơ sở dữ liệu có ngay chứ không cần phải khai thêm lý lịch tư pháp.
Đổi tên “thẻ căn cước” có cần thiết?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trong đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) góp ý cần giữ tên cũ là căn cước công dân. “Trong tờ trình, Chính phủ cũng chưa đưa ra lý do thuyết phục để sửa đổi thông tin này. Tôi cho rằng nên giữ tên căn cước công dân và không nên sửa nhiều lần ảnh hưởng đến người dân”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý.
ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cũng đồng tình với ý kiến thay đổi quá nhiều trong việc cấp căn cước công dân vừa tốn thời gian, vừa tốn kinh phí. ĐB đề nghị cần cân nhắc đến yếu tố tiết kiệm không chỉ là kinh phí, mà còn là thời gian của người dân nếu có thay đổi hoặc bổ sung thông tin trên thẻ.
Trao đổi thêm, ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng, việc sửa đổi luật này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
ĐB cũng giải thích thêm về hai luồng ý kiến giữ tên căn cước công dân hay đổi tên gọi mới là thẻ căn cước. Trong đó, việc lấy tên căn cước còn mở rộng thêm đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài, còn căn cước công dân thì giới hạn là công dân có quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng việc sửa đổi Luật Căn cước công dân là để tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý về dân cư, an ninh trật tự tốt hơn trong tình hình mới.
Mỗi lần sửa đổi luật rất mất thời gian, công sức và kinh phí. Do vậy Bộ Công an và các ngành khác có liên quan thấy các trường thông tin của người dân đã đủ chưa nên cần rà soát lại cho kỹ hơn.
Theo ĐB, qua khảo sát vừa qua trên địa bàn TPHCM, các cơ quan hành chính rất cần ngành công an chia sẻ dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân tốt hơn.
Đầu tư hạ tầng số cho ngành công an
Trong quá trình thực hiện căn cước công dân, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng đối với ngành công an cần phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ thông tin, cho khoa học công nghệ.
Bởi vì hiện nay, hạ tầng số đối với ngành công an vẫn còn nhiều tồn tại, chưa tương xứng, nên gây ra những khó khăn nhất định cho người dân.
Dữ liệu trong ngành công an rất quan trọng vì tích hợp thông tin của các ngành khác. Yêu cầu đặt ra là các dữ liệu này phải được thông suốt, đồng bộ để tránh việc không kết nối được các thông tin, dữ liệu khi người dân thực hiện các giao dịch dân sự…
Do đó, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, Bộ Công an đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng số trong ngành để người dân tiện lợi trong việc khai báo, điều chỉnh thông tin…