ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đề cập về việc học thêm - dạy thêm, cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này... Thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có 2 luồng dư luận: một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con cho thầy cô giáo mang về nhà để quản lý và đến tối mới đón con về. Do đó, luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm - học thêm.
ĐB Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề dạy thêm, học thêm, vì đó là nhu cầu có thật của người học, nhất là ở các đô thị lớn. Những học sinh đặt mục tiêu cao nên có nhu cầu tìm thầy cô giáo giỏi học thêm. Do đó, ĐB nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
ĐB Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) cũng đồng tình cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp về vấn đề dạy thêm - học thêm, vì đó là nhu cầu của người học, của xã hội.
Vấn đề tiền lương, đãi ngộ của nhà giáo tiếp tục được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội để từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. “Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng... nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục”, ĐB nêu.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo ĐB, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn không phù hợp. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo; cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội; chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác.
Đồng tình, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Cùng với đó, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50-100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương; quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngày 20-11 là ngày đặc biệt, hạnh phúc của hơn 1 triệu thầy, cô giáo. Điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao về sự ủng hộ dự án luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại nghị định, thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án luật này không thể bao quát hết được; đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác. “Ví dụ, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐB về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn, ví dụ ép học sinh học thêm
Từ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
“Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu các ý kiến ĐB để tiếp thu đầy đủ, để làm sao Luật Nhà giáo ra đời là để phát triển lực lượng nhà giáo, đó mới là điều chính yếu, chứ không phải vì đời sống nhà giáo còn khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.