Trước thềm phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2022 và kế hoạch 2023, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội đã được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐBQH.
Tăng trưởng 6,5% là phù hợp
Báo cáo cho thấy, nhiều ý kiến ĐBQH đánh giá tình hình thế giới khó khăn, biến động rất nhanh, phức tạp nên với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, cùng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các ĐBQH bày tỏ lo ngại.
22 ý kiến ĐB đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 8,83%, cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đặt ra là 6 - 6,5% là kết quả nổi bật, là những thành tựu được thế giới đánh giá cao. Song cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng cao nhưng nếu so với năm 2019 thì mức này chỉ tăng 5%, và đây là thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Về dự báo tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã có báo cáo gửi ĐBQH, nêu rõ kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga - Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.
Trong nước, bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022 thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào nước ngoài nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.
“Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn như vậy, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng tốt như: chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá hiệu quả và chủ động, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát vẫn trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, theo người đứng đầu Bộ KH-ĐT, là phù hợp với bối cảnh chung.
Đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề về thị trường trái phiếu
Liên quan tới thị trường tài chính, vốn, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng vụ việc SCB vừa qua là một “cú sốc nhỏ”, đã tác động tới điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa, an ninh tiền tệ và hoạt động của ngân hàng, chứng khoán, cũng như thị trường bất động sản.
Thực tế, các ĐB nhìn nhận, các vấn đề của thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lãi suất, nợ xấu, doanh nghiệp lớn vay số tiền chiếm tỷ trọng cao với dư nợ vay với 1 khách hàng, dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp gặp vấn đề, ảnh hưởng lớn tới an toàn ngân hàng.
Vì thế, ĐB đề nghị cần theo dõi chặt tài sản của các ngân hàng, tình hình nợ xấu, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chính phủ cần linh hoạt hơn trong điều hành thị trường bất động sản để giảm khó khăn cho thị trường tài chính, vì hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Riêng với trái phiếu doanh nghiệp, ĐB cho rằng cần có điều kiện để tăng chất lượng trái phiếu phát hành, đánh giá năng lực và khả năng trả nợ, mục tiêu sử dụng và lãi suất huy động của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. ĐB đề nghị Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về thị trường trái phiếu.