Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc tỷ lệ điều tiết ngân sách trung ương và địa phương

Chiều 17-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa 7 luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại thảo luận tổ TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, làm sao phân cấp phân quyền mạnh mẽ để bảo đảm giải quyết công việc thật nhanh. Sửa luật Ngân sách nhà nước, Luật sửa 7 luật lần này cũng nhằm mục tiêu đó.

“Chính phủ đã đề xuất những cơ chế rất mạnh mẽ, tinh thần là làm sao chúng ta mở tối đa có thể để giải quyết công việc nhanh hơn, nhưng cũng phải đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản, đảm bảo được cơ sở pháp lý”, đồng chí Phan Văn Mãi nêu.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 17-5..jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 17-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu (ĐB) đều đồng tình “nới lỏng" chính sách cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam.

Về dự thảo luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐB Trần Hoàng Ngân quan tâm đến các khoản thu ngân sách Trung ương, khoản thu của ngân sách địa phương cũng như các khoản chi của ngân sách địa phương.

ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích, hiện trong 63 tỉnh thành, có 18 địa phương đã tự chủ tài chính. Còn lại 45 địa phương chưa tự chủ tài chính, phải nhận điều tiết ngân sách trung ương. Sau sắp xếp, tới đây chúng ta còn 34 tỉnh thành, ĐB Trần Hoàng Ngân thống nhất cao việc không chia nhỏ tỷ lệ điều tiết cho từng địa phương nữa.

Ví dụ trước đây 18 địa phương tự chủ tài chính thì tỷ lệ điều tiết của TPHCM 21%, Bình Dương là 33%, Bà Rịa Vũng Tàu 52%, Hà Nội 32%, Hải Phòng 76%... những con số rất khó nhớ. Do đó lần sửa luật này, ĐB đề nghị không phân chia cho từng tỉnh mà nên theo nhóm, với 2-3 nhóm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM).jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân với luật hiện hành, tỷ lệ phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương theo 5 loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Theo dự thảo mới, cách phân chia mới thì với thuế thu nhập cá nhân, thực hiện phân chia ngân sách Trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn TPHCM và Hà Nội, số thu này theo ĐB là hợp lý. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách trung ương hưởng 80% số thu địa bàn TP Hà Nội và TPHCM, tức là 2 địa phương này chỉ được hưởng 20% là thấp, ông đề nghị cần phải nâng lên, 2 địa phương này được hưởng 30%.

Về thuế bảo vệ môi trường, ngân sách trung ương hưởng 80% và ngân sách địa phương hưởng 20% cho tất cả các địa bàn thì thống nhất chung.

Về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu tiền sử dụng đất gắn liền với tài sản, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý, các địa phương mà không nhận bổ sung cân đối ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%; còn các địa phương nhận bổ sung cân đối thì ngân sách trung ương hưởng 20%, ngân sách địa phương hưởng 80%.

Về khoản này, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng TPHCM sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Bởi trong những năm qua, các khoản thu tiền sử dụng đất này chiếm từ 40 - 50% tổng chi đầu tư phát triển của TPHCM, mà trước đây theo Luật Ngân sách nhà nước cũ thì khoản này thành phố hưởng 100%.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, mục tiêu khi sắp xếp còn 34 tỉnh thành là chúng ta mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Do đó không nên thu hẹp nguồn ngân sách địa phương, nhất là TPHCM, Hà Nội phải làm đường sắt đô thị. ĐB đề nghị cân nhắc tỷ lệ phân chia ngân sách trung ương và địa phương, để bảo đảm các địa phương có nguồn lực để phát triển.

Ông đề nghị ở mục này, ngân sách trung ương hưởng 15 - 20% đối với tiền thu hồi đất, còn lại địa phương được hưởng. Còn nếu không, nên áp dụng chung thống nhất cho tất cả 34 tỉnh thành là ngân sách địa phương hưởng 80%, trung ương hưởng 20%.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM).jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, vai trò của HĐND cấp xã phường tới đây rất quan trọng, nên phải làm rõ trong luật này, hoặc trong các hướng dẫn của Chính phủ phải thật rõ về thẩm quyền với ngân sách xã phường; cần mạnh dạn có phân cấp ủy quyền của HĐND cấp tỉnh cho HĐND cấp xã phường trong ngân sách.

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cũng băn khoăn về nội dung phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chưa có đánh giá tác động, còn mang tính chủ quan, sẽ rất khó khăn với những địa phương chưa chủ động ngân sách. ĐB đề nghị cân nhắc lại.

Cũng tại dự án luật này, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, đó là giữ thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định các nhiệm vụ thu chi ngân sách như luật hiện hành (theo dự thảo, thẩm quyền quyết các khoản chi này được đề nghị giao cho Thủ tướng). Bởi việc quy định mức chi với lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là để bảo đảm nguyên tắc thể chế hóa nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này. Đây cũng là ý kiến của cơ quan thẩm tra.

1.jpg
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Đỗ Đức Hiển, việc Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách trung ương chi tiết theo các lĩnh vực cũng bảo đảm đúng thẩm quyền, minh bạch và tăng kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chấp hành ngân sách nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế. Còn để bảo đảm linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh dự toán chi giữa các lĩnh vực, nhất là trong trường hợp cấp bách, thì Luật Tổ chức Chính phủ cũng đã có quy định Thủ tướng được phép báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục