Chiều 4-1, trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tham gia thảo luận ở tổ tại điểm cầu TPHCM về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) đồng tình với việc có chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các ĐB đã góp ý cụ thể nhiều vấn đề.
Cần xem lại mức hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với người lao động
Gói hỗ trợ dự kiến chi khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho 4 triệu người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.
Trong đó, khoảng 400.000 người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người (thời gian hỗ trợ 3 tháng, tương đương 3 triệu đồng/người); 3,6 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng (tương đương 1,5 triệu đồng/người).
Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đặt vấn đề, số lượng người lao động đó nằm ở đâu? Cách thống kê ra sao để ra được con số người lao động như trên?
Liên quan đến phần hỗ trợ này, ĐB Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM cho rằng, việc có 2 mức hỗ trợ với chênh lệch lên tới 50% sẽ dễ dẫn tới tình trạng so sánh giữa các nhóm người lao động. ĐB đề nghị cần xem lại mức hỗ trợ và cần thống kê cụ thể đối tượng thụ hưởng để có con số chính xác.
Trong việc hỗ trợ lãi suất là 2%, tương đương 40.000 tỷ đồng (tương ứng với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng và chiếm khoảng 10% tổng dư nợ hiện nay), cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần làm rõ ngành nào được ưu tiên hỗ trợ và tỷ trọng cụ thể mỗi ngành là bao nhiêu. Việc này nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ, không bị thiên lệch giữa các ngành.
ĐB đề nghị ngành nông nghiệp cần được hỗ trợ lớn nhất trong các ngành, giúp đảm bảo nội lực kinh tế của đất nước.
Là chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ trăn trở liệu tác động của gói hỗ trợ có làm bất ổn kinh tế vĩ mô hay không? ĐB đề nghị cần giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, bởi nếu để lạm phát tăng thì việc hỗ trợ lãi suất sẽ vô nghĩa.
Trong các ngành nghề dự kiến được hỗ trợ, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp bị đại dịch Covid-19 tàn phá trong 2 năm qua, đến nay không còn tài sản thế chấp. Điều đó dẫn đến doanh nghiệp có thể không thỏa mãn điều kiện được vay và sẽ khó tiếp cận nguồn hỗ trợ. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đến việc khôi phục, hỗ trợ cho việc hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.
Cần đầu tư các tuyến cao tốc cho vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ
Khi thực hiện các chính sách hỗ trợ, ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý hệ quả một chỉ tiêu có thể vi phạm quy định là chỉ tiêu chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên tổng thu ngân sách (năm 2021, chỉ tiêu này đã gần bằng trần 25% tổng thu ngân sách).
Để tránh khả năng sẽ vượt trần, ĐB Trần Hoàng Ngân gợi mở giải pháp trong việc phân bổ vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng giai đoạn 2021-2025, còn gần 297.000 tỷ đồng chưa phân bổ, cần ưu tiên đầu tư cho các địa phương có khả năng làm tăng thu ngân sách. Như vậy, sẽ giúp tăng thu ngân sách và qua đó làm giảm chỉ tiêu chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên tổng thu ngân sách.
“Khu vực có khả năng tăng thu ngân sách cụ thể là Đông Nam bộ (đang đóng góp 40% ngân sách của cả nước). Nơi đây đang có các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 cần có sự hỗ trợ nguồn đầu tư công. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét, nếu không đưa vào trong gói hỗ trợ đợt này thì khi phân bổ đầu tư công 2 cần ưu tiên đến khu vực Đông Nam bộ”, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh. |
Tham gia góp ý, ĐB Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nhận xét, phần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long rất ít và đang kém phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước.
ĐB đề nghị, cần cân đối đầu tư nhiều tuyến cao tốc ở khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, để hạ tầng khu vực này phát triển một cách tương đối hơn.
Phải hỗ trợ thiết thực bằng cải cách hành chính
Tại phiên thảo luận, các ĐB đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng đề nghị, cần mạnh mẽ bỏ điều khoản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn trong kinh doanh…
“Các giấy tờ này là tăng thêm thủ tục hành chính, là lãng phí, tốn kém tiền của, tốn kém nhân sự, thậm chí gây ra tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp giấy phép “con””, ĐB Nguyễn Minh Hoàng đánh giá và gợi mở “cần tăng cường hậu kiểm có tốt hơn không?”. |
Nhận xét trước giờ nêu rất nhiều về cải cách thủ tục hành chính nhưng sự chuyển động không nhiều, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, bây giờ, gắn với phục hồi và phát triển kinh tế, việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là rất quan trọng, cần quyết liệt và cụ thể.
“Việc này là nguyên nhân chủ quan của Nhà nước, có thể khắc phục được chứ không phải là nguyên nhân khách quan. Vì vậy, cần tháo gỡ khó khăn, chứ hiện nay vướng mắc trong đầu tư rất nhiều", ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, sớm đưa các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lãi suất tín dụng cho học sinh, sinh viên đang quá cao |