Đại biểu phản ứng việc không đưa giá tối thiểu sách giáo khoa vào Luật Giá (sửa đổi)

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), tại đây, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã có phát biểu đáng chú ý về vấn đề giá sách giáo khoa (SGK).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, tại kỳ họp trước, ĐB cũng đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá SGK dưới hình thức khung giá bao gồm: giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá "đây là ý kiến rất hay" và Bộ trưởng cho rằng, trong tư duy chúng ta luôn nghĩ làm thế nào để giá không cao, nhưng chúng ta chưa nghĩ làm thế nào để ngăn chặn giá quá thấp. Bởi, khi các doanh nghiệp tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì sẽ dùng biện pháp hoặc thủ đoạn để đại hạ giá nhằm đánh bật đối thủ khác, tạo lợi nhuận độc quyền.

Tuy nhiên, dự thảo luật trình Quốc hội lần này không phản ánh ý kiến tiếp thu đó. Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất Bộ GD-ĐT quy định giá SGK tối đa, nhưng không đề cập giá tối thiểu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến đó. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cần giải trình, làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: VIẾT CHUNG
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: VIẾT CHUNG

“Nếu luật không quy định khung giá tối đa, tối thiểu thì rồi đây Quốc hội sẽ thấy những lo ngại của Bộ trưởng trở thành hiện thực. Nhưng nguyên nhân nào đã ngăn cản dự thảo luật thể hiện ý kiến đúng đắn đó của Bộ trưởng. Phải chăng ở đâu đó có quan điểm khác với Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề.

Theo ĐB, Nghị quyết 29 có nêu đa dạng hóa tài liệu học tập và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đều quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nhưng Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 cũng thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục mà cho UBND cấp tỉnh. ĐB đặt vấn đề: giữa quy định của Nghị quyết 88 và quy định của Luật Giáo dục thì quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm hơn?

ĐB đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa XV thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Còn trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá (sửa đổi) để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương, không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: một đằng thì khuyến khích xã hội hóa SGK, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK. ĐB đề nghị giải trình, làm rõ những vấn đề trên.

Chiều 23-5, giải trình lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất giá khung giá SGK tương tự như giá hàng không để đảm bảo cho quyền lợi của người học, tức là đảm bảo giá rẻ. Ban soạn thảo đã báo cáo với Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng thuận là bỏ giá sàn để đảm bảo cho giá trần cũng như quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục