Đây là một trong những kiến nghị tâm huyết của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 29-3.
Trong khi nhận định công tác điều hành của Chính phủ đã rất “chủ động, nhạy bén, kịp thời trong bối cảnh nhiều thách thức dồn dập”, nhờ đó đã giữ vững được sự ổn định của đất nước trên mọi phương diện, ĐB Quyết Tâm đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới lưu ý đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương; nhanh chóng đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
“Đây không phải vấn đề mới nên cần làm kiên quyết hơn”, ĐB thẳng thắn bình luận. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, ý kiến của ĐBQH, nhân dân, mặt trận… chưa được lắng nghe một cách thấu đáo, cầu thị.
Một số đề xuất cụ thể cũng đã được ĐB Quyết Tâm gửi gắm tới Chính phủ nhiệm kỳ tới. Đó là quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo ĐB Quyết Tâm, đây là vấn đề mà bà đã chất vấn từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII, nhưng đến nay vẫn chưa thấy nông nghiệp phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Việc sửa đổi Luật Đất đai và giải quyết chế độ chính sách tiền lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1993 cũng là những vấn đề còn tồn tại được ĐB Quyết Tâm “nhắc”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế và hiến kế khắc phục, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng cho rằng “đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh và vẫn còn 'cơ chế' xin - cho, còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách”.
Cũng theo ĐB Mai Hoa, thực tế chất lượng dịch vụ công còn hạn chế, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, không phục vụ dân, một số cơ quan hành chính nhà nước còn “hành dân là chính”, nạn tham nhũng vặt làm xấu hình ảnh công chức...
Trong khi đó, cần hết sức tránh tư duy nhiệm kỳ trong phân bổ ngân sách, là ý kiến của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).
ĐB Lưu Mai nhận định, nhiệm kỳ qua, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư xã hội thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 45,6%, thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.
“Vẫn biết đây là một vấn đề rất khó khăn, nhưng một Chính phủ kiến tạo thì phải biết phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. Tôi tin rằng Chính phủ phải làm được điều này mới đủ sức đi đường dài, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới”, ĐB Lưu Mai phân tích.
ĐB Lưu Mai cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần Luật Đầu tư công, không để “vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước”. Bên cạnh đó, phải tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong việc phân bổ ngân sách.