Đại diện Đoàn chủ tịch đã trình bày cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý tại đại hội. Theo báo cáo, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục phát huy thế mạnh, ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại; tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện, to lớn hơn nữa, góp phần tạo thế và lực, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu đề nghị, về vấn đề tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân, MTTQ Việt Nam cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt, theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề nhân dân còn băn khoăn, quan tâm, lo lắng, bức xúc; kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt hơn cơ chế phản hồi, phúc đáp, thực hiện đầy đủ ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, cần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức; thường xuyên tổ chức các diễn đàn gặp mặt trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành để nghe hiến kế, trình bày các ý kiến, quan điểm, tư vấn cho Đảng và Nhà nước các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách trong công tác từ thiện nhân đạo, trợ giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt phù hợp với thực tế; tập trung phối hợp, rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về định mức hỗ trợ phù hợp hơn với từng đối tượng, mức độ thiệt hại và điều kiện phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng mục chi, đối tượng chi từ các nguồn vận động của mặt trận và các tổ chức thành viên.
Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các hình thức giám sát, phản biện phù hợp, thực chất, có hiệu quả và khả thi; bổ sung cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng giám sát, phản biện xã hội; gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội với nhiệm vụ lắng nghe ý kiến của nhân dân, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mặt trận cần huy động và phát huy vai trò các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội.
Song song đó, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục tham gia tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục triển khai và xây dựng giải pháp hiệu quả việc lấy ý kiến của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp tăng cường vận động thu hút nguồn lực trong dân để thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện các kế hoạch, dự án đầu tư công của Nhà nước cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; đề xuất thành lập Quỹ thu hút và phát triển nhân tài đất nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Các đại biểu cũng nêu kiến nghị, đề xuất đối với Đảng, Nhà nước. Theo đó, đề nghị Đảng, Nhà nước có chủ trương giải quyết nhanh chính sách, chế độ đối với các đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến bị thất lạc giấy tờ; tiếp tục quan tâm nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với người có công. Đảng, Nhà nước thường xuyên tổ chức cuộc gặp mặt trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành để nghe hiến kế, trình bày các ý kiến, quan điểm và tư vấn các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách phát huy, thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Đại biểu cũng kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách thuận lợi cho kiều bào ta được nhập lại quốc tịch Việt Nam, được tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực biên giới và hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham mưu, thực hiện nhiệm vụ về biên giới; chính sách hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tham gia, phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới…