Sáng nay 30-10, 114 đại biểu Quốc hội bấm nút đăng ký để nêu lên những thực trạng tồn tại và bất cập của kinh tế - xã hội năm 2019, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp xử lý, tháo gỡ
Quốc hội bắt đầu thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.
Đồng tình với các nội dung báo cáo của Chính phủ, nhưng tại diễn đàn Quốc hội, nhiều vấn đề nóng, thực trạng gây bức xúc, những tồn tại bất cập của đất nước được các đại biểu nêu ra, cùng “mổ xẻ” để kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ…
“Năm 2019 là năm đầu tiên tổng mức tăng trưởng đã đến được khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên”- đại biểu này thông tin.
Nhưng đại biểu này lo lắng, nhìn về tầm nhìn năm 2020 và các năm tiếp theo thì chúng ta vẫn chưa thể yên tâm, mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,8% chưa bền vững, gian nan trong bối cảnh kinh tế - thương mại thế giới đang giảm tốc, dự báo tới ngưỡng suy thoái toàn cầu.
Vì vậy, ông Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị các phương án chủ động để ứng phó tình trạng này.
Nhìn vào ngành chế biến chế tạo có sức dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng năm 2019, đằng sau sản lượng ấn tượng là 11,37% thì chỉ số hàng tồn kho của khu vực này cũng đạt mức kỷ lục là 17,2% (cao hơn nhiều so với 13,8% cùng kỳ năm ngoái). “Vậy tăng trưởng của ngành này có bền vững không?”- đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Kiên Giang) nêu, thời gian qua tình trạng bán nhà, bán đất không có thật (ảo) tại các dự án diễn ra nhức nhối. Tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá, làm giá (giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế) tại các khu đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm là rất nhức nhối, làm ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị "Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát để tránh gây đổ vỡ nền kinh tế theo hiệu ứng “domino” như đã từng xảy ra cách đây chưa lâu, bởi phần lớn đầu tư đến từ nguồn vay ngân hàng".
Băn khoăn thực trạng thực thi pháp luật, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay còn chồng chéo, bất cập, tinh thần kiến tạo, đổi mới chưa được hưởng ứng tích cực, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nêu thực trạng vẫn còn tổ chức, cá nhân, bộ phận cán bộ trong cơ quan công quyền sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Tình trạng các vụ việc được chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang qua lại nhiều lần, nhiều cơ quan… nhưng vẫn chưa có lời giải, gần đây ngày càng nhiều hơn.
Đại biểu của tỉnh Nghệ An đề nghị, cần phải có các cơ chế chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, được xã hội và nhân dân ghi nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng dẫn ra tình trạng nhiều vụ việc gần đây, khi xảy ra, được dư luận phát hiện mới lo chạy theo để xử lý theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” đang tái diễn, ví dụ như vi phạm Công ty Địa ốc Alibaba, vụ cháy tại Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông, tình rạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều nơi… khiến nhân dân lo lắng, bức xúc. Điều này bộc lộ quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót, lỗ hổng, còn buông lỏng mà chưa xử lý đúng mức.
“Đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh để khắc phục kịp thời. Đừng để người dân phải chịu hậu quả của sự tắc trách của cán bộ”- đại biểu Nguyễn Thanh Hiền lên tiếng.