Thảo luận tại các tổ, ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP trăn trở, sau đại dịch Covid-19, nhóm người yếu thế ở TPHCM đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn cho hộ nghèo vay vẫn chưa kịp thời. Từ đó, ĐB đề nghị TPHCM cần quan tâm thỏa đáng hơn chính sách giảm nghèo.
Ngày 6-7, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường kỳ giữa năm) để thảo luận những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Quang cảnh kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phiên làm việc buổi chiều, các tổ đại biểu HĐND TPHCM đã bắt đầu thảo luận với 4 tổ. Theo đó, ở mỗi tổ thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn, không né tránh góp ý, thảo luận nhiều vấn đề mà TPHCM hiện nay đang gặp những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Qua đó, cũng đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TPHCM cũng như góp ý thêm vào các chương trình, nội dung làm việc của kỳ họp.
Mở căn tin, bãi xe cũng trình UBND TPHCM
Thảo luận tại tổ 2, ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Cần Giờ cho biết, câu chuyện liên doanh, liên kết, cho thuê công sản để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập còn những vướng mắc. Hiện nay, các địa phương không có thẩm quyền ký liên doanh, liên kế, cho thuê công sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu này là rất lớn.
Từ đó, ĐB đề nghị TPHCM nghiên cứu phân cấp ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện để thẩm định đề án liên doanh, liên kết hoặc đề án cho thuê để các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa phương chủ động việc này.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP cho biết, những vướng mắc trong việc sử dụng cơ sở vật chất trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố rất cần tháo gỡ sớm. ĐB dẫn chứng, khi phụ huynh đưa con đến nhà thiếu nhi sinh hoạt, vui chơi cũng cần có một nơi ngồi đợi con, điều này là chính đáng.
ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 6-7-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo ĐB Tăng Hữu Phong, để làm được căn tin thế này thì phải trải qua nhiều thủ tục. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn TPHCM có đến khoảng 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập. Mặc dù cơ chế đã có nhưng những điểm vướng không tháo gỡ thì rất khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp này.
Đối với những vấn đề liên quan việc liên doanh, liên kết, cho thuê công sản ở các đơn vị, sự nghiệp công lập hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chia sẻ những khó khăn, bất cập của việc này. TPHCM cũng có kiến nghị lên Trung ương và đề xuất cho TPHCM một số cơ chế phân cấp, ủy quyền để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận hiện nay có đến khoảng 1.800 đơn vị sự nghiệp công lập. Một đề án liên doanh, liên kết mở căn tin, bãi giữ xe cũng phải trình lên tới UBND TPHCM rồi trình HĐND TPHCM. Nếu như có đến 1.800 đơn vị sự nghiệp cùng trình lên thì không biết khi nào mới xử lý xong. Điều này đòi hỏi phải tháo gỡ khó khăn cũng như có sự phân cấp, ủy quyền cụ thể.
“TPHCM đang đề xuất giao lại những việc này cho các đơn vị, địa phương”, đồng chí Phan Thị Thắng cho biết, tuy nhiên hiện nay TPHCM vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung ương để triển khai.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại phiên thảo luận, chiều 6-7-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cần quan tâm đến nhóm người yếu thế
ĐB Tăng Hữu Phong cũng cho rằng sau dịch Covid-19, TPHCM cần quan tâm thỏa đáng hơn chính sách giảm nghèo của TPHCM. ĐB cũng cho rằng hiện nay có cử tri đặt câu hỏi con số thống kê hộ nghèo, tái nghèo trên địa bàn TPHCM so với số thực tế hiện nay có khớp với nhau hay không. ĐB dẫn chứng, hộ nghèo thuộc diện tạm trú từ 6 tháng trở lên chỉ chiếm 1,8%; hộ cận nghèo chiếm 1,3%.
Theo ĐB Tăng Hữu Phong, những con số này có lẽ chưa phản ánh đúng với thực trạng của TPHCM. Từ đó, ĐB đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thống kê lại để có con số chính xác hơn.
“Khi chúng ta có số liệu chính xác thì mới có giải pháp phù hợp”, ĐB Tăng Hữu Phong nói và nhấn mạnh, hộ nghèo sau đại dịch Covid-19 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Kinh tế TPHCM phục hồi, phát triển mạnh mẽ nhưng với nhóm người yếu thế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn cho hộ nghèo vay vẫn chưa kịp thời.
Hiện nay, số lượng hồ sơ tồn đọng ở Ngân hàng chính sách xã hội là rất lớn và họ đã tạm ngừng nhận hồ sơ, không có vốn để cho vay. ĐB nhấn mạnh, đây là chính sách rất nhân văn nhưng hiện nay không được thực hiện một cách xuyên suốt. Điều này dẫn đến những hộ nghèo tiếp tục đối diện với những khó khăn.
Đồng tình với nhận định, đánh giá giải ngân đầu tư công của TPHCM là rất thấp, ĐB Tăng Hữu Phong cho rằng, việc giải ngân đầu tư công tốt sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân; đồng thời tạo ra những bức phá, xung lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.
Thảo luận tại tổ 3, ĐB Lê Minh Đức cũng nhìn nhận câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm mới đạt 19% so với kế hoạch đầu năm đề ra là rất đáng lo. TPHCM đề ra từ đầu năm rất nhiều nội dung đầu tư nhưng đến nay đã sang tháng 7 mà kết quả mới đạt được 19%.
Theo ĐB, điều này chưa tạo được động lực thúc đẩy kích cầu đầu tư. “Nếu cứ đà này, nhiều dự án được đề xuất, được dự trù kinh phí nhưng không làm được, gây bức xúc lớn trong nhân dân”, ĐB Lê Minh Đức nhận xét và kiến nghị, trong thời gian còn lại, UBND TPHCM cần tăng cường điều hành, chỉ đạo để kết quả giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn.
Trong khi đó, các dự án đầu tư giao thông, có cải thiện nhưng mức độ chưa cao. Nhiều dự án đầu tư nhưng “đắp chiếu” quá lâu, ví dụ dự án cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) “đắp chiếu” 5 năm nay.
ĐB Lê Minh Đức nhận xét, việc “đắp chiếu” các công trình gây lãng phí rất lớn, theo thời gian các công trình bị bào mòn, xuống cấp khiến cử tri rất bức xúc. ĐB kỳ vọng UBND TPHCM rà soát, tháo gỡ để đẩy nhanh xây dựng công trình hạ tầng giao thông.
Nhiều dự án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân
ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm cũng trăn trở một câu chuyện mà hơn 20 năm nay, huyện Cần Giờ vẫn chưa tháo gỡ được, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của người dân rất lớn. Cụ thể ở cù lao Phú Lợi (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) hiện nay đang vướng đến câu chuyện pháp lý liên quan đến quy hoạch ranh rừng phòng hộ.
Các cơ quan hành chính, trường học… đều nằm trong ranh rừng phòng hộ. Quy hoạch sử dụng đất thì không có cù lao Phú Lợi. Cho nên người dân ở đây cầm giấy quyền sử dụng đất trong tay nhưng không làm gì được, kể cả xin phép sửa chữa, xây dựng nhà cửa. Người dân mua bán, tặng cho cũng không được do vướng ranh rừng phòng hộ.
ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm mong Ban Pháp chế của HĐND TPHCM rà soát lại các pháp lý có liên quan, để các sở ngành có tham mưu cho UBND TPHCM tháo gỡ.
“Người dân đã sinh sống ở đây từ trước khi chúng ta quy định ranh rừng phòng hộ. Ranh rừng phòng chúng ta mới xác định sau này. Tại sao chúng ta lại xác định khu dân cư nằm trong ranh rừng phòng hộ luôn?”, ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm thắc mắc.
ĐB cũng thông tin, TPHCM cho chủ trương huyện Cần Giờ thực hiện 8 khu tái định cư để di dời người dân sống ven sông, ven biển. Trong đó, hiện nay huyện Cần Giờ đã đầu tư triển khai thực hiện được 5 khu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Hiện còn 3 khu đang vướng nhiều thủ tục. Các sở ngành của TPHCM cũng chưa có giải pháp tháo gỡ dẫn đến kéo dài nhiều năm qua.
Từ đó, ĐB kiến nghị HĐND TPHCM đề nghị Thành ủy TPHCM có một quyết sách chính trị để tháo gỡ. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có sai sót. Cái sai này kéo dài dẫn đến dự án không thực hiện được, điều này chỉ làm cho người dân khổ. Người dân ở trong 3 khu này không thể xây nhà, sửa chữa, bởi không có giấy tờ. Trong khi những nơi này cũng không có cơ sở pháp lý để đầu tư hạ tầng, dẫn đến điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn.
Tại tổ 1, ĐB Nguyễn Thị Thanh Diệu phản ánh về các khu tái định cư trên địa bàn huyện còn chậm thực hiện. Đơn cử như khu tái định cư Khu Công nghiệp Tây Bắc tại xã Tân An Hội, 19 năm người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có đèn chiếu sáng, không có nước sạch khiến đời sống người dân khó khăn. Huyện đã gửi công văn lên các sở nhưng đến nay chưa được trả lời.
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho rằng, hiện có tình trạng đất nông nghiệp thà bỏ hoang hóa cho cỏ mọc nhưng người dân đụng vào không được. Qua đó, ĐB đề xuất cần phải phải giám sát sâu về công tác quản lý quy hoạch; giám sát giải ngân đầu tư công cũng như giám sát các dự án tồn đọng kéo dài để tìm nguyên nhân. ĐB cho rằng, lãng phí từ dự án tồn đọng gấp nhiều lần tham nhũng. |
THU HƯỜNG - MAI HOA - VĂN MINH