Ngày 7-12, HĐND TPHCM khóa X chính thức khai mạc kỳ họp thứ 8.
Thảo luận tổ tại kỳ họp, các đại biểu (ĐB) đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến tình hình an ninh trật tự, giải ngân vốn đầu tư công, dự án treo nhiều năm gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Còn ĐB Phạm Văn Rậm (quận Tân Phú) cho rằng, tình trạng quy hoạch treo kéo dài hàng chục năm gây lãng phí, khó khăn cho người dân. Dẫn chứng tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, dự án đã hàng chục năm nay chưa triển khai nhưng cũng không thu hồi gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho người dân. “Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết, có hộ đã ba đời rồi, nhà cửa hư hỏng cũng không sửa được. Kiến nghị cơ quan chức năng rà soát lại xem tắc chỗ nào để có hướng giải quyết cho người dân sớm, tránh bức xúc”, ĐB Phạm Văn Rậm nói.
Một trong những nội dung mà ĐB Lê Thị Kim Thuý (quận Bình Chánh) cho rằng thành phố cần quan tâm là giải quyết các kiến nghị của người dân. Theo ĐB, thời gian qua, MTTQ đã tổng hợp các ý kiến của cử tri và trả lời ý kiến cử tri, song có rất nhiều ý kiến nhiều năm chưa được trả lời.
Dẫn chứng về dự án Chung cư Thanh niên (phường 14, quận Tân Bình), ĐB Kim Thuý cho biết nhiều năm trước, khi còn làm công tác đoàn, bản thân ĐB đã thấy người dân có kiến nghị. “Tôi rất thắc mắc, các kiến nghị của người dân liên tục, có đề xuất giải pháp rất rõ ràng nhưng tại sao đến nay đã hơn 20 năm, các công trình đang sắp đưa vào công trình cần giải tỏa vì chung cư xuống cấp mà người dân vẫn kiến nghị”, đại biểu Kim Thuý nói và băn khoăn tại sao trong báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri trước kỳ họp, tuy rất rõ nhưng vẫn không giải quyết được cho người dân.
ĐB Lê Thị Kim Thuý cũng cho biết, nhiều năm qua người dân níu kéo từng cán bộ để mong có câu trả lời thoả đáng nhưng cũng không được. Các đơn vị chỉ trả lời các dự án phê duyệt từ năm nào, sau đó có ý kiến của Phó Chủ tịch mời họp giải quyết nhưng cũng không đi đến đâu. Việc giải quyết văn bản cũng rất chậm, nhanh nhất là 2 năm, có văn bản được đề từ năm 2008 nhưng đến năm 2019 mới được các sở, ngành lập ra để trả lời cho người dân. Điều này làm người dân bức xúc. Từ đó, ĐB đề nghị các sở, ngành liên quan phụ trách các dự án kéo dài thành lập tổ công tác, phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách, giải quyết dứt điểm để các dự án này không còn là "điểm nóng" từng nhiệm kỳ và ảnh hưởng đến các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) nêu cụ thể Dự án cải thiện môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, cử tri quận Bình Tân rất bức xúc, vì kể từ khi dự án bắt đầu (năm 2002) đến nay đã 20 năm, người dân đã giao đất giao nhà, tái định cư 18 năm qua, nhưng đến nay, vẫn còn 104 hộ dân được tái định cư về dự án của công ty Huỳnh Thông (tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân phải đi ở thuê do không được xây nhà. ĐB đề nghị những sở liên quan như Sở Xây dựng, TN-MT phải phối hợp với địa phương để cấp giấy chứng nhận nhanh nhất cho những hộ này. Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trao đổi về việc này, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhìn nhận, hiện nay các thủ tục hành chính về đất đai đang còn rất chậm. Sở TN-MT đang rà soát sát sao việc thực hiện thủ tục hành chính tại các Văn phòng đăng ký đất đai để có hướng xử lý.
Đồng thời Sở cũng tổ chức phân loại hồ sơ để giải quyết, với hồ sơ đủ điều kiện thì phải quyết ngay, còn những hồ sơ vướng về pháp lý phải trả hồ sơ hay phải lấy ý kiến các sở, ngành liên quan cũng sẽ thông báo ngay cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thuế nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.