Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì?

Trả lời câu hỏi của ĐB, Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ: “Tôi nghĩ làm sao khi có chủ trương xong rồi phải chuyển hóa thành đề án, kế hoạch để thực sự khơi thông được các nguồn lực. Từng sở ngành, cán bộ đảng viên phải chuyển tâm thế, cùng xốc lại với nhau. Hai điều tôi tâm huyết là nguồn lực và cán bộ".
Ngày 8-12, kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ 2.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, hoan nghênh sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của Chủ tịch UBND TPHCM, Sở Công thương TPHCM và Chủ tịch UBND quận 6 trong việc trả lời chất vấn. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới.
Cần giải pháp đột phá hơn
Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM tiếp tục tập trung thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy TPHCM và các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại hội nghị phát triển vùng Đông Nam bộ liên quan đến TPHCM. Cùng với đó là thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời có những giải pháp đột phá, trước mắt, tích cực chuẩn bị các nội dung Bộ Chính trị đã cho ý kiến, tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM để có thể thể trình Quốc hội khóa XV trong kỳ họp gần nhất.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Quá trình tổ chức chính quyền đô thị cần gắn với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và gắn với cải cách hành chính.
Qua đó, tăng tương tác giữa chính quyền, cơ quan hành chính với người dân và giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh gọn và hiệu quả hơn. Chính quyền đô thị đảm bảo thực hiện quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân, đồng thời vẫn đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây.
Bộ máy, cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn; cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương, góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính trên địa bàn thành phố.
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 2 ĐB Tăng Hữu Phong chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời, đề xuất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung Nghị định 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131 phù hợp thực tiễn, đặc thù của thành phố, đảm bảo đúng Hiến pháp và các quy định pháp luật. Cùng với đó, có kế hoạch, giải pháp cụ thể triển khai chủ đề năm, tập trung đẩy mạnh triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Trong đó có tập trung các dự án trọng điểm, đảm bảo các nguồn vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có chính sách giá tương xứng. Đồng thời nghiên cứu việc hình thành các khu tái định cư kiểu mẫu đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Sau phiên họp này, HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM, các sở, ban ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề liên quan vừa được chất vấn về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 3 Các ĐB tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó, việc phân cấp ủy quyền, cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ tổ chức chính quyền đô thị. Có giải pháp tăng cường phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị; công tác cải cách hành chính; phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Cũng như việc thực hiện chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng đô thị thông minh; đề án trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đảm bảo giải ngân tiến độ đầu tư công, có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực y tế cũng như các ngành văn hóa, xã hội, giáo dục, trong việc trùng tu các di tích, phát triển du lịch. Tập trung các giải pháp điều hành giá cả thị trường và kiểm soát chỉ số giá cả trong thời gian tới, đặt biệt vào dịp tết.
Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; việc quản lý thương mại điện tử và công tác bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng qua mạng và các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Khẩn trương bố trí vốn để người nghèo tiếp cận
Trước đó, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đặt vấn đề, trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19; việc cơ cấu lại kinh tế TPHCM là yêu cầu cấp bách, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo đôn đốc việc này như thế nào?
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 4 ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, nhiều người lao động tới giờ vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong khi hiện nay rất khó khăn, lại sắp đến tết. ĐB Cao Thanh Bình đề nghị TPHCM quan tâm rà soát lại tất cả gói hỗ trợ Covid-19, đảm bảo chi đúng chi đủ cho người dân. Đồng thời đặt vấn đề, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM báo lại vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn năm 2021-2022 cho chương trình giảm nghèo bền vững.
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 5 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời ĐB, Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, về bố trí vốn giảm nghèo năm 2021-2022 có chậm. Chủ tịch UBND TPHCM nhận khuyết điểm trước HĐND TPHCM và cho biết nguyên nhân là có những ý kiến khác nhau. Theo đồng chí, vừa rồi Thường trực Thành ủy TPHCM đã thống nhất chi từ nguồn chi thường xuyên. Năm nay, TPHCM dự kiến bố trí 600 tỷ đồng. Vì vậy, TPHCM cố gắng trong tháng này sẽ thực hiện xong.

Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 6 ĐB Cao Thanh Bình chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về tái cơ cấu lại nền kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, kinh tế dịch vụ trên 60% nên phải phát triển thành trung tâm dịch vụ với các dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Về phát triển công nghiệp, hiện lĩnh vực này chiếm khoảng 22%. Thời gian tới, TPHCM sẽ phát triển theo hướng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, TPHCM cũng là địa phương đi đầu về xây dựng KCX, KCN, nhưng đến nay phải xem xét lại những vấn đề như thâm dụng lao động, xây dựng theo hướng trở thành các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại. Về nông nghiệp, từ nay đến 2030 và xa hơn, TPHCM vẫn phải tổ chức lại diện tích nông nghiệp, theo hướng nông nghiệp đô thị, công nghệ cao để phát triển sản phẩm sạch, xây dựng nông nghiệp sinh thái…
Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì?
Tiếp đó, ĐB Trần Hoàng Danh trao đổi, cử tri phấn khởi với những kết quả phục hồi kinh tế, nhưng cũng băn khoăn trăn trở về những nhận định, vị thế vai trò của TPHCM có mai một đi nhiều so với vai trò đầu tàu trước đây. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự đột phá. ĐB hỏi Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc với những chủ trương quyết sách gì để tạo cảm hứng cho bà con cử tri, cán bộ TPHCM cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của thành phố thời gian tới?
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM tâm đắc điều gì? ảnh 7 ĐB Trần Hoàng Danh chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, khi kêu gọi xúc tiến đầu tư cho hai huyện Hóc Môn – Củ Chi, lúc khi triển khai các bản ghi nhớ thì còn liên quan đến đất đai, quy hoạch, nguồn vốn… Cho nên đây là một khoảng cách rất xa. Có hai việc là sự chuẩn bị điều kiện của chúng ta về quy hoạch, đất đai và sẵn sàng hỗ trợ; hai là tâm huyết của các sở ngành để hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thiện.
Đồng chí lấy dẫn chứng dự án đô thị sinh thái ở huyện Củ Chi, nhà đầu tư làm việc nhiều lần và mong muốn được triển khai sớm. Nhà đầu tư cho biết, nếu năm 2023 có đất thì tháng 3 có thể triển khai ngay. Nhưng 1.000ha không thể nào từ nay đến cuối năm 2023 có thể thực hiện được, nên việc này phải nhanh hơn.
“ĐB Trần Hoàng Danh hỏi tôi tâm đắc điều gì, tôi nghĩ làm sao khi có chủ trương xong rồi phải chuyển hóa thành đề án, kế hoạch để thực sự khơi thông được các nguồn lực. Bộ Chính trị làm việc với TPHCM cũng băn khoăn, khi cho các cơ chế như vậy TPHCM có “tải” nổi hay không? Từng sở ngành, cán bộ đảng viên phải chuyển tâm thế, cùng xốc lại với nhau. Cũng có ý kiến nói rằng TPHCM là nơi có truyền thống năng động sáng tạo nhưng gần đây hình như co lại, giảm sút đi. Điều này phải gỡ. Hai điều tôi tâm huyết là nguồn lực và cán bộ”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh
ĐB Nguyễn Minh Nhựt hỏi định hướng phát triển thể dục thể thao, thể thao thành tích cao của TPHCM như thế nào, tình hình đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo, huấn luyện thi đấu thể dục thể thao, TP có thể đủ điều kiện đăng cai các sự kiện thể thao lớn hay không? Đánh giá tình hình xây dựng đời sống văn hóa ở các khu đô thị mới?

Liên quan đến ngành thể dục thể thao, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, khi diễn ra Seagame, đồng chí rất trăn trở câu hỏi, vì sao không phải là TPHCM, hay TPHCM cùng Bình Dương, Long An, Đồng Nai để tổ chức sự kiện này.

Hiện nay, TPHCM không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đăng cai, do sự đầu tư chưa đúng mức. Về yếu tố con người, TPHCM cũng đã có đầu tư nhưng chắc chắn là chưa đủ. TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu trong đề án về phát triển thể dục thể thao của thành phố.

Tin cùng chuyên mục