Ngày 23-5, Quốc hội đã thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Trong tổng số 18 đại biểu tham gia “mổ xẻ”, có 9 đại biểu tranh luận và 15 đại biểu khác đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu, đa số đều tán đồng, ủng hộ việc sớm thông qua luật này.
Bởi vì hiện nay, những hệ lụy từ lạm dụng rượu bia, say rượu bia rất tệ hại. Gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm, oan khuất, cay nghiệt liên tục diễn ra, không chỉ gieo nỗi bất hạnh cho chính người lái xe mà còn gieo nỗi bất hành cho những người dân vô tội tham gia giao thông trên đường.
Chưa kể những hệ lụy khác như bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, hiếp dâm, uống nhiều rượu bia gây ung thư, bệnh tật, đe dọa sức khỏe…
Tuy nhiên, trong phần tranh luận tại nghị trường hôm nay, nhà sử học - đại biểu Dương Trung Quốc – đoàn Đồng Nai, lại cho rằng, chúng ta đang có cách tiếp cận sai vấn đề khi đề xuất những giải pháp cấm, siết chặt rượu bia.
"Mổ xẻ" các nội dung của dự thảo luật, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là hơi cực đoan”.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, uống rượu là văn hóa của cả nhân loại rồi, “tại sao ta lại đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?”.
Giơ lên một trang bìa có in dòng chữ tuyên truyền: “Uống rượu bia có hại cho sức khoẻ”, ông Dương Trung Quốc cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin này với câu hỏi, đó có phải là thông điệp của thế giới không?
Ông tiếp tục cho rằng, rượu bia là một văn hóa đã tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó (tẩy chay rượu bia) chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung.
Theo nội dung mà dự thảo luật lần này nêu ra thì điều khoản cấm quảng cáo đối với rượu bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu chúng ta thông qua luật này thì việc đầu tiên là sẽ thôi xem bóng đá, một hãng bia nổi tiếng tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới. Người dân rất cần sức khoẻ nhưng họ cũng vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có bóng đá. Sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khoẻ về thể trạng mà còn sức khoẻ về tinh thần, chất lượng sống.
Vì thế, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị nên nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoan, đừng cục bộ vì nó sẽ không có hiệu ứng xã hội.
Liên quan hoạt động quản lý quảng cáo, tài trợ rượu bia quy định tại Điều 13 và Điều 14 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Dung – đoàn Điện Biên cho rằng, việc quy định không quảng cáo rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn trong hai trường hợp tại Điều 13 thực chất là cấm quảng cáo.
Điều 14 của dự thảo luật quy định hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ rượu bia chưa rõ ràng.
Đại biểu tỉnh Điện Biên nêu: Thực tế, thời gian qua, có trường hợp doanh nghiệp sản xuất bia tài trợ giải bóng đá, như một hãng bia đã tài trợ cho Cup Quốc gia năm 2018, một hãng bia khác cũng tài trợ cho bóng đá Leicester City của Anh trong mùa giải năm 2018 - 2019. Khi các đội bóng nhận tài trợ, quần áo thi đấu, thậm chí tên giải đấu phải có tên doanh nghiệp hoặc sản phẩm của doanh nghiệp. "Do đó, đề nghị làm rõ sau khi luật này có hiệu lực thì các hãng bia có được tài trợ cho các giải này nữa không, có điều chỉnh gì đối với doanh nghiệp rượu bia Việt Nam tài trợ ra nước ngoài không?", đại biểu tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, trong phần giải trình và tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc soạn thảo, chỉnh lý dự thảo luật này đã đảm bảo tính hài hòa quyền lợi cho ngành công nghiệp sản xuất rượu bia Việt Nam lẫn yêu cầu quản lý và ngăn ngừa tác hại mà rượu bia gây ra như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, các hệ lụy về trật tự xã hội, sức khỏe của người dân.