Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói: nếu giao thông đường sắt phát triển tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ và không phải đầu tư nhiều tiền cho đường bộ Bắc Nam như hiện nay.
“Đường sắt Bắc Nam hiện ở giai đoạn 2 sử dụng dầu diesel, nghĩa là vô cùng lạc hậu; có những đoạn đường sắt hình thành 70-80 năm vẫn chưa có giải pháp nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, Bộ trưởng thừa nhận và xin nhận trách nhiệm của ngành trong tham mưu vấn đề này.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ GT-VT rất quan tâm tới đường sắt. Bản thân lãnh đạo Bộ, các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và xin lỗi người dân về các vụ tai nạn vừa qua. Chúng tôi xác định trách nhiệm rất cao trước người dân vấn đề này", ông nêu.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đường sắt có suất đầu tư rất lớn, có những dự án hàng chục tỷ đô la. Cách đây 8 năm dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã trình ra Quốc hội nhưng sau đó không được thông qua do nguồn huy động đầu tư quá lớn. "Nếu làm thì phải xây tuyến mới chứ không thể chắp vá trên đường hiện nay. Khi Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo sẽ tiến hành triển khai các dự án đường sắt mới", Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng không phải do Bộ "tham mưu kém" mà hầu như "bỏ rơi" đầu tư cho đường sắt vì đầu tư cho đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn....
Chiều 4-6, chia sẻ thêm về vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể rất nóng về vấn đề BOT đang gây bức xúc dư luận, “nhưng vấn đề đường sắt cũng rất cần phải tập trung làm rõ”- ĐB nói. Theo ĐB, năm 1936 khi hoàn thành hệ thống đường sắt xuyên Việt thì Việt Nam là một quốc gia ở trình độ cao trong khu vực về đường sắt. Vậy mà gần 1 thế kỷ sau chúng ta ở trong tình trạng như thế này. Rõ ràng là đường sắt đã bị “bỏ rơi”.
“Bộ trưởng nói do trách nhiệm tham mưu của ngành nhưng tôi cho là không phải. Là Bộ trưởng Bộ GT-VT thì phải biết bức xúc của anh em ngành đường sắt là gần như bị bỏ rơi. Đó là lý do mà tôi hoài nghi phải chăng làm đường bộ thì có thể chia cắt những dự án, dễ chia sẻ lợi ích hơn, còn làm đường sắt thì dự án lớn, tính hệ thống cao, khả năng chia chác không nhiều nên đường sắt bị bỏ rơi”, ĐB Dương Trung Quốc lý giải.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, để đường sắt như hiện nay là do tầm nhìn của lãnh đạo chỉ nhìn trong nhiệm kỳ của mình thôi, “và dĩ nhiên có trách nhiệm của Chính phủ nữa”. Theo ông, năm 2010, khi Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, không phải Quốc hội không ủng hộ làm đường sắt cao tốc mà vì Quốc hội thấy phương án làm đường sắt cao tốc 200-300 km nhưng chỉ dành cho những người xách cặp táp, trong khi đó chúng ta cần một hệ thống logistics theo dọc đường sắt xuyên suốt đất nước. Vì thế, lúc đó Quốc hội muốn tập trung làm hệ thống đường sắt hiện đại phù hợp với điều kiện đầu tư của chúng ta.
“Vậy mà đến bây giờ Bộ GT-VT vẫn cứ nói đang chuẩn bị, không biết đến bao giờ chúng ta mới có được hệ thống đường sắt hiện đại?. Tôi cho là đây là vấn đề tầm nhìn. Chúng ta hay có tầm nhìn ngắn hạn, cứ thích làm những cái dễ trước, đương nhiên không thể không loại trừ hiện tượng rất dễ chia sẻ những dự án”, ĐB nói.
“Thực tế, có rất nhiều người tay không bắt giặc, nhưng chỉ cần có dự án là có tất cả, tiền thì ngân hàng cho vay, ta có thể buôn bán những dự án đó kiếm chênh lệch rất lớn. Phải nhìn thẳng vào sự thật đó. Tôi rất mừng là qua chất vấn này, Bộ trưởng Bộ GT-VT vả cả Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cam kết quan tâm đến ngành đường sắt”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.