Đại biểu đề nghị có chính sách thực sự ưu đãi cho giáo viên mầm non, vùng sâu, xa

Sáng 20-11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay, ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

2.jpg
Phiên thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

3.jpg
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về dự án luật này, tất cả các ý kiến đại biểu (ĐB) đều tán thành cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng GD-ĐT; đảm bảo nhà giáo được bảo vệ và giúp nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề nghiệp, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

1.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhiều ĐB quan tâm đến nội dung về tiền lương và phụ cấp dành cho nhà giáo. Tán thành các chính sách dành cho nhà giáo, ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) và nhiều ĐB đề nghị có chính sách thực sự ưu đãi cho giáo viên mầm non, vì giáo viên mầm non rất vất vả, đi sớm về muộn. ĐB cũng đề nghị Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, cân đối các nguồn lực, cân đối giữa ngành này với ngành khác, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, đảm bảo sự hài hòa, hợp lý.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu, theo dự thảo, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. ĐB rất đồng tình với quy định này để bảo đảm nhà giáo yên tâm công tác, hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm như trong thời gian qua, nhưng cũng phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo. Tuy nhiên, về phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp chỉ nên ưu tiên cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, giáo viên chuyên biệt.

Dự thảo quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cần cân nhắc, chỉ nên áp dụng với cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, hải đảo, giáo viên chuyên biệt nhưng phải có cam kết thời gian phục vụ trong ngành giáo dục…

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận).jpg
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng cho rằng, những chính sách miễn học phí cho sinh viên đã giúp cho đầu vào sư phạm tốt hơn. Do đó, điều quan trọng hiện nay là đầu ra của ngành sư phạm, làm sao để giáo viên tìm được việc làm dễ dàng, có chính sách tiền lương tốt để giáo viên yên tâm công tác nhưng vẫn phải bảo đảm tương quan với những ngành nghề khác, nhất là ngành y tế vốn rất khó khăn, vất vả cả trong quá trình đào tạo lẫn làm việc. Do đó, ĐB cũng đồng tình là những chính sách ưu tiên chỉ nên dành cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, hải đảo, giáo viên chuyên biệt như ý kiến một số ĐB đã phát biểu.

ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, chế độ tiền lương và các chính sách khác như nhà ở công vụ… đều rất quan trọng để bảo đảm cho nhà giáo yên tâm cống hiến. Hiện nay, còn thiếu hơn 11.000 nhà ở công vụ cho giáo viên, do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở tập thể cho nhà giáo, nhất là ở vùng khó khăn là rất quan trọng. ĐB đề nghị nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng khó khăn, vùng miền núi.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang).jpg
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng đồng tình với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Đây là chủ trương đã có từ 27 năm nay của Đảng ta nhưng chưa được thực hiện. ĐB cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Dĩ nhiên, cần tính toán để cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, thực sự đi vào đời sống.

Tin cùng chuyên mục