Lời hứa mà các ĐBQH, đại biểu HĐND luôn tâm niệm và tự nhắc nhở mình trong hành trình làm đại biểu dân cử là phấn đấu hết sức, mong muốn các chính sách đưa ra phải phục vụ cho đời sống, người dân phải được hưởng lợi từ những chính sách đó. Từ động lực này, các đại biểu dân cử đã miệt mài theo đuổi, đóng góp, phản biện để xây dựng những chương trình, chính sách có lợi nhất cho phát triển và cho cuộc sống người dân.
Hành động
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Quốc hội phải có những quyết sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật khác.
Kỳ họp cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt khi thảo luận, cho ý kiến về Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Dự thảo Nghị quyết mới (Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM - Nghị quyết 98) được xây dựng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội được thí điểm đầu tiên trên địa bàn TPHCM để làm mẫu cho cả nước.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đi thực tế giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngay trên nghị trường kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 98. Trong các cuộc thảo luận, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) luôn thể hiện sự nhất trí cao với việc cần ban hành một nghị quyết mới để thúc đẩy phát triển TPHCM. Theo đại biểu, các chính sách mới thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của TPHCM, đáp ứng yêu cầu phát triển TPHCM như đã được nêu tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị và chủ động đối với việc thực hiện Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết 98, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, không khí thảo luận tại 19 tổ đại biểu sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm với 128 ý kiến thảo luận. Và với sự thống nhất cao của ĐBQH, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 với 481/484 đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành.
Nỗ lực, quyết tâm
Sau khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, chia sẻ rất vui, phấn khởi, đồng thời cũng lo lắng về trách nhiệm, việc triển khai nghị quyết thành công. Ngay sau khi NQ 98 được ban hành, “TPHCM sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết, cả nước đã vì TPHCM, TPHCM sẽ tập trung làm tốt để đáp ứng niềm tin đó”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định. Thành phố đã khẩn trương thể chế hóa các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98.
HĐND TPHCM giám sát triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Thường trực HĐND TPHCM chỉ đạo các ban rà soát tham gia xây dựng dự thảo ngay từ những bước đầu tiên để đảm bảo chất lượng, tiến độ các chính sách. Từ đó, các ban của HĐND TPHCM chủ động tổ chức các buổi làm việc với sở ngành thành phố để khảo sát, nắm tình hình tham mưu cho UBND TPHCM chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết trình HĐND TPHCM để triển khai thực hiện Nghị quyết 98.
Như nhiều đại biểu khác, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, không ít đêm thức trắng để thẩm định tờ trình của UBND TPHCM. Theo ông, để chính sách nhanh chóng đi vào đời sống, các ban của HĐND thành phố rất chủ động phối hợp với sở, ngành từ khâu tham mưu nội dung, xây dựng tờ trình. Song song đó, tại các kỳ họp, HĐND TPHCM cũng thảo luận, ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của thành phố có tác động trực tiếp đến người dân.
Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, chia sẻ, ban đã trực tiếp trao đổi, làm việc với sở ngành, kể cả một số quận, huyện và TP Thủ Đức về các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách. Cùng với các buổi khảo sát trực tiếp trước khi có tờ trình chính thức, lãnh đạo Ban Pháp chế và các đơn vị cũng chủ động liên hệ trao đổi để tháo gỡ vấn đề còn vướng mắc để nội dung trình chính thức đảm bảo đúng tiến độ đề ra, đúng quy định của pháp luật.
Một số chính sách dân sinh được HĐND TPHCM ban hành trong nửa nhiệm kỳ qua:
- 3 nghị quyết hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
- 5 nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp
- Bố trí 1.500 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh
- Bố trí 2.796 tỷ đồng vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm năm 2023
- Ban hành quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...