Chia phần trăm doanh thu
Cơ quan công tố Trung ương cáo buộc, do có mối quan hệ từ trước với Phan Quốc Việt, nên khi được ông Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y) thông báo học viện sẽ có văn bản đề xuất với Bộ KH-CN giao học viện triển khai phát triển kit test Covid-19, từ đó Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đã báo cho Việt biết.
Biết được nội dung này, Việt đặt vấn đề với Hùng để giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài kit test Covid-19. Việt đã thỏa thuận chia phần trăm doanh thu khi Việt Á bán được kit test này - trong suốt quá trình giúp Việt, Trịnh Thanh Hùng đã có nhiều hành vi vi phạm.
Các bị can trong vụ án. Nguồn: BỘ CÔNG AN |
Theo cơ quan công tố, Hùng đã tự ý tiếp nhận đề xuất của Học viện Quân y mà không chuyển cho đơn vị chức năng của Bộ KH-CN; đồng thời đưa ra yêu cầu và được ông Hồ Anh Sơn đồng ý cho Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu kit test Covid-19. Ông Hùng trực tiếp báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh để ký các quyết định lập hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN, phê duyệt đề tài và giao Học viện Quân y chủ trì, doanh nghiệp của Việt phối hợp thực hiện với kinh phí 18,9 tỷ đồng từ ngân sách.
Trong cáo trạng cũng cáo buộc ông Hùng đã tác động Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm định, đánh giá chất lượng kit test Covid-19 và tác động Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) để giúp Việt Á được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời kit test Covid-19.
Ông Hùng còn tham mưu đề xuất và dự thảo nội dung để ông Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN) tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu của đề tài, từ đó Bộ KH-CN ra thông cáo báo chí thể hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng kit test Covid-19 cho Việt Á.
Trịnh Thanh Hùng còn tham mưu, đề xuất để ông Chu Ngọc Anh ký quyết định khen thưởng và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng cho Việt Á không đúng thẩm quyền, không đúng thành tích. Những việc làm trên của Trịnh Thanh Hùng đã quảng bá hình ảnh cho Việt Á để tiêu thụ kit test Covid-19. Đổi lại, Hùng đã được Việt đưa 2 lần tiền, tổng số 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) tại nhà riêng.
Ông Nguyễn Thanh Long trực tiếp giúp Việt Á
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc, do Phan Quốc Việt biết ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký ông Long) từ năm 2017, nên khi Việt Á được tham gia nghiên cứu kit test Covid-19 thì Việt đến gặp và nhờ 2 ông này giúp đỡ để được cấp số đăng ký lưu hành với mục đích để sản xuất, tiêu thụ kit test Covid-19. Trước lời đề nghị này của Việt, ông Long và thư ký đã đồng ý.
Để giúp Phan Quốc Việt, ông Long giao cho ông Huỳnh làm đầu mối giúp Việt Á; cáo trạng cáo buộc, ông Long cũng trực tiếp can thiệp và chỉ đạo ông Huỳnh can thiệp, tác động để giúp doanh nghiệp của Việt được cấp số lưu hành, hiệp thương giá, không bị rút đăng ký lưu hành sau khi kiểm tra giá hiệp thương. Ông Long và ông Huỳnh cũng giúp Việt Á biến kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á để sau đó bán thương mại và thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Cơ quan công tố Trung ương xác định, quá trình thực hiện hành vi trên, ông Long đã thông qua ông Huỳnh để gợi ý Việt đưa tiền. Trước gợi ý này, Việt đã 4 lần đưa tiền với tổng số 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng) cho ông Long (trong đó 1 lần Việt đưa tiền trực tiếp và 3 lần đưa tiền thông qua ông Huỳnh); riêng ông Huỳnh nhận 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Long nhận 2,25 triệu USD, ông Huỳnh nhận 4 tỷ đồng từ Phan Quốc Việt để thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật theo đề nghị của Việt, giúp Việt Á xuyên suốt từ việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương, phân bổ, thanh toán tiền kit test Covid-19, sản xuất và tiêu thụ kit test Covid-19, gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 402 tỷ đồng”, bản cáo trạng quy kết.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trên cơ sở kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, trong các nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị can, có nguyên nhân xuất phát từ các vi phạm, thiếu sót trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh.
Để hạn chế các nguyên nhân trên, cơ quan công tố kiến nghị Bộ KH-CN tăng cường trách nhiệm quản lý kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu Nhà nước; kiểm soát hoạt động các cơ quan chuyên môn về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các sai phạm trong cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; có biện pháp quản lý giá vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.