Trong vụ án còn có 19 cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-CN, Sở Y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh: Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương... bị truy tố một trong các tội: "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Ngoài vụ án này, Bộ Công an còn ủy thác điều tra cho công an các tỉnh, thành. Hơn 100 người bị xác định là bị can trong 32 vụ án khác liên quan Công ty Việt Á. Trong đó, công an 15 địa phương đã khởi tố 15 vụ án vi phạm về đấu thầu và xác định Công ty Việt Á tiêu thụ 560.000 kit test, gây thiệt hại 180 tỷ đồng.
Theo nội dung vụ án, dịch Covid-19 bùng phát và lây lan tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được giam gia đề tài nghiên cứu kit test do Bộ KH-CN phê duyệt, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đề xuất, tác động với lãnh đạo Bộ KH-CN ký các văn bản triển khai thực hiện đề tài, trong đó giao Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của đề tài với nguồn kinh phí gần 19 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; ký thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài để Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiệm thu này làm và nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành kit test không đúng quy định, vi phạm quyền sở hữu nhà nước đối với sản phẩm nghiên cứu của đề tài.
Sau đó, Phan Quốc Việt tiếp tục thông đồng với Trịnh Thanh Hùng tác động đến các bị cáo có thẩm quyền tại Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, nhờ những người này trực tiếp hoặc can thiệp với cơ quan, người có thẩm quyền khác thực hiện việc thẩm định kit test, cấp số đăng ký lưu hành không đúng chủ sở hữu, hiệp thương giá, công bố giá hiệp thương, xử lý kết quả kiểm tra giá hiệp thương trái quy định, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á sản xuất, bán thương mại kit test trên toàn quốc.
Phan Quốc Việt và một số nhân viên cấp dưới đã trao đổi, thỏa thuận với một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, đơn vị y tế địa phương thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong mua bán kit test để phòng, chống dịch Covid-19, gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỷ đồng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác; trong đó gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 400 tỷ đồng.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngoài việc sử dụng mối quan hệ cá nhân, Phan Quốc Việt còn dùng tiền để tác động các bị cáo có vị trí, chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo lợi thế bất hợp pháp cho Công ty Việt Á, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, có 74 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, tham gia phiên tòa còn có 24 nguyên đơn dân sự, 140 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bị cáo Trần Thị Hồng (nhân viên Công ty Việt Á) có đơn xin xét xử vắng mặt do mới sinh con nhỏ.
Tại phần kiểm tra căn cước các bị cáo, ông Chu Ngọc Anh nói rõ ràng về nhân thân và thời gian mình bị bắt. Cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN khai, nghề nghiệp nguyên là Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; bị bắt ngày 17-6-2022.
Sau 1 giờ 30 phút làm thủ tục phiên tòa, đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm cho rằng, việc vắng mặt bị cáo Hồng và những người liên quan, xét thấy bị cáo Hồng có lý do chính đáng nên đề nghị tiếp tục phiên tòa; những người liên quan vắng mặt, do thời gian phiên tòa dài ngày nên nếu cần thiết có thể triệu tập sau.
Sau ít phút hội ý, Chủ tọa Trần Nam Hà cho biết, việc bị cáo Hồng xin vắng mặt là chính đáng và những người liên quan vắng mặt không ảnh hưởng tới quá trình xét xử, nên tiếp tục xét xử.
Hiện nay, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đang công bố bản cáo trạng dài 69 trang truy tố 38 bị cáo.