Theo đó, căn cứ tại liệu chứng cứ đã thu thập được, C46 vừa ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty CP lương thực Nam Định) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015; Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Cúc (nguyên Trưởng Ban kiểm soát DAB) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bộ Công an cũng cho biết, các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. C46 đã triển khai thi hành đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật.
Theo Bộ Công an, vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng DAB là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 25 bị can, kê biên thu hồi tài sản có tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các bị can bị khởi tố có ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng của DAB). Theo kết luận điều tra, nhóm cổ đông do ông Trần Phương Bình làm đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DAB và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình nắm giữ 7,7% vốn điều lệ. Ông Bình được xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền 3.405 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.