Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đăk Lăk.
Theo tờ trình của Chính phủ, các dự án đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Các dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, du lịch văn hoá, năng lượng tái tạo, đầu tư trung tâm logistics... sẽ được giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp (10%) trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm.
Các dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê thì ngoài ưu đãi thuế như các lĩnh vực khác, thời gian giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp được tăng lên gấp đôi, lên tới 30 năm. Các dự án này cũng được khấu trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... tối đa 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
"Các chính sách đang đề xuất nói là đặc thù, nhưng chỉ vừa vừa, na ná như các chính sách đặc thù đã quyết cho các địa phương khác. Chưa thấy những gì mang tính đột phá cho Buôn Ma Thuột, nhất là những đột phá về văn hóa, đất đai...", ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển cũng cho rằng, chính sách đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột là khá “thận trọng". Lưu ý rằng tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân của Buôn Ma Thuột hiện thấp nhất trong 12 tỉnh thành đã có cơ chế đặc biệt, ĐB đề nghị nên có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của Buôn Ma Thuột - đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên, trung tâm kết nối các vùng trọng điểm phát triển với Lào, Campuchia và là thủ phủ cà phê của Việt Nam. “Nhưng với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cần xác định thế mạnh của thành phố là gì, để có chính sách đột phá, không dàn trải”, ông Hiển lưu ý.
Về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học tài năng, theo dự thảo nghị quyết, họ sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm. Ông Hiển nhận xét, nếu đặc thù chỉ có vậy thì chưa đủ hấp dẫn thu hút nhân tài về làm việc tại TP Buôn Ma Thuột.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Hoàng Ngân về vấn đề này. Ông nói, nhìn vào thực tế thực hiện Nghị quyết 54 của TPHCM thì thấy gần 5 năm qua thu hút được rất ít người tài dù áp dụng các chính sách đặc thù. “Chính sách này cần hướng nhiều hơn các nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc trong bộ máy nhà nước”, ông nói và đề xuất Chính phủ nên đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về lương, tuyển dụng...
ĐB Trình Lam Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH An Giang cũng cho rằng, để thu hút chuyên gia, nhà khoa học về làm việc tại TP Buôn Ma Thuột thì chỉ tập trung vào tài chính là chưa đủ. "Với người tài điều họ ưu tiên hàng đầu chưa hẳn là môi trường làm việc để phát huy tài năng, chứ không đơn thuần là tài chính. TP Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện, chính sách đưa ra như dự thảo sẽ khó thu hút được nhà khoa học, chuyên gia giỏi", ông Trình Lam Sinh phát biểu.
Đánh giá chung về chính sách đặc thù, ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam thẳng thắn cho rằng, chính sách đặc thù hiện nay được thiết kế chỉ là đưa ra thêm quyền chứ chưa thực sự theo hướng giúp địa phương tìm ra thế mạnh của họ để phát triển mạnh lên.
Theo ông, đây là lần đầu xây dựng cơ chế thí điểm đặc thù cho cấp quận, huyện, tức đơn vị hành chính rất nhỏ. Song cũng nên dừng lại áp dụng thí điểm đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột, không nên thí điểm đặc thù thêm nữa, vì hiện đã có quá nhiều địa phương được trao cơ chế, chính sách đặc thù.
Trước TP Buôn Ma Thuột, đã có 9 tỉnh, thành phố được áp dụng đặc thù, gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hoà.