Khảo sát một vòng quanh các khu vực trung tâm quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, dễ dàng bắt gặp các điểm bán đặc sản miền Bắc, đặc sản Đà Lạt với đa dạng sản phẩm, từ nông sản cho tới các loại hàng tiêu dùng khác. Chị Nguyễn Thị Lài (một nhân viên văn phòng tại quận 1) chia sẻ, trước đây khi thèm ăn món Bắc (như đậu phộng, bánh gai, sấu…), chị thường phải nhờ người thân gửi theo xe hoặc máy bay từ quê vào, nay thì mọi thứ đã dễ dàng hơn nhờ mạng lưới phân phối dày đặc khắp thành phố.
Không chỉ ở các cửa hàng, tại nhiều siêu thị của hệ thống Saigon Co.op, Big C, Vinmart…, đặc sản vùng miền cũng được chú trọng đưa vào kinh doanh nhiều hơn. Theo chia sẻ từ Saigon Co.op, trước kia tại Co.opmart từng tỉnh, nhà bán lẻ này đều có các đặc sản địa phương đặc trưng kinh doanh.
Tuy nhiên, mấy năm nay thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi nên Co.opmart đã tăng cường, bổ trợ các sản phẩm đặc trưng giữa các vùng, miền trong toàn hệ thống, để ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ thời điểm nào, người tiêu dùng cần là sẽ được đáp ứng. Chẳng hạn trong tháng 5 vừa qua, Saigon Co.op đã thu mua và cung ứng 500 tấn vải thiều Lục Ngạn để phân phối cho các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Chrees… Thậm chí, ngay cả hàng nhãn riêng của Co.opmart cũng bổ sung thêm danh mục đặc sản để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với mức giá phù hợp hơn.
Việc tạo điều kiện phân phối các sản phẩm đặc sản vùng miền đã thúc đẩy hàng hóa từ nhiều tỉnh lưu thông trên thị trường TPHCM mạnh mẽ hơn. Theo đó, từ đầu năm 2019 tới nay, bên cạnh nhập khẩu vào các siêu thị lớn của TPHCM, các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre, Long An, vùng Trung du miền núi phía Bắc… đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm nông sản được tổ chức ở thành phố. Trong những hội chợ này, doanh nghiệp, địa phương đã giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình tới người tiêu dùng thành phố, đồng thời xúc tiến tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng.