Đặc sản vùng miền “cập bến” TPHCM

Chỉ còn vài tuần nữa đến Tết Ất Tỵ, nhiều loại đặc sản khắp vùng miền cả nước đã tấp nập “đổ” về TPHCM. Năm nay, khách hàng có xu hướng chọn mua những mặt hàng chất lượng, giá phù hợp…

Đặc sản phong phú, thuận tiện mua sắm

Trưa 3-1, chị Hồ Thị Tuyết, ngụ tại huyện Hóc Môn, ghé Bến xe An Sương nhận hũ tỏi Lý Sơn cùng một số mặt hàng đặc sản miền Trung do người thân gửi. “Dòng tỏi này không nhiều. Mình mua giá khoảng 800.000 đồng/kg rồi chia lại cho bạn bè ăn tết. Nhóm mình thường đặt các loại đặc sản vùng miền rồi chia lại cùng sử dụng nhằm tiết kiệm phí vận chuyển”, chị Tuyết nói.

Còn theo anh Trần Nguyễn Xuân, ở quận Tân Phú, năm nay anh cùng hàng xóm đặt mua 1 con gà Đông Tảo (Hưng Yên) với mức giá 1.750.000 đồng/con nặng 5kg để ăn tết. “Đầu xuân, được thưởng thức miếng thịt gà Đông Tảo tươi ngon, thưởng thức miếng bánh chưng xanh làm từ nếp cái hoa vàng, nhai miếng thịt trâu gác bếp Tây Bắc chấm chẩm chéo thơm lừng… thấy cuộc sống vui tươi hẳn”, anh Xuân tâm sự.

Khi thương mại điện tử trở nên phổ biến, người dân đã bắt đầu có thói quen khám phá những loại đặc sản khắp vùng miền đất nước chỉ sau vài thao tác. Người dân thành phố hầu như ai cũng có một “quê nhà” để đặt mua những sản vật địa phương độc đáo. Những mặt hàng “nhà làm” từ Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực ĐBSCL cũng được gửi theo đơn đặt hàng đến người tiêu dùng TPHCM.

D5b.jpg
Khách chọn mua hàng tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM). Ảnh: GIA HÂN

Nắm bắt xu hướng này, nhiều mặt hàng đặc sản OCOP, gồm hàng khô lẫn hàng tươi ở các vùng miền đã hiện diện chính thống tại những siêu thị lớn như Saigon Co.op, AEON Mall, MM Mega Market, GO!, BigC… Hàng hóa đa dạng, phong phú được trưng bày bắt mắt như yến sào, xoài cát, mật dừa nước, rau má sấy lạnh (huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, TPHCM); miến Tây Bắc; nước mắm Phú Quốc; gạo séng cù, măng lưỡi lợn... Các loại bánh kẹo ăn chơi như mứt sâm, kẹo sâm làm từ sâm dây Ngọc Linh (Kon Tum) có giá 129.000-170.000 đồng/hộp nhỏ cũng đang được khách hàng quan tâm. Các sản phẩm nhỏ (mini) như cà chua, vú sữa, bưởi… đến từ các nhà vườn Đà Lạt, ĐBSCL cũng được ưa chuộng. Theo đại diện các siêu thị, phần lớn hàng đặc sản này đều thuộc nhóm hàng tuyển chọn kỹ số lượng, chất lượng, có giám sát chặt chẽ theo quy chuẩn.

D1a.jpg
Khách chọn mua đặc sản tết tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: THI HỒNG

Theo anh Nguyễn An, chủ cửa hàng bán đặc sản tết tại quận Tân Bình: Dịp tết này, nhiều điểm bán hàng ghi nhận xu hướng tiêu dùng mới, mua hàng chất lượng hơn và số lượng vừa phải. Người tiêu dùng chọn hàng chất lượng, xuất xứ rõ ràng, dù giá bán cao hơn hẳn so với hàng hóa khác cùng chủng loại, kích cỡ. “Khách ăn uống ít hơn, nhưng đòi hỏi đơn hàng chất lượng, an toàn. Họ chuyển hướng từ lượng sang chất”, anh An nhận định.

Thực tế, những năm gần đây, thời gian nghỉ tết của các siêu thị rất ngắn, như hệ thống Satra chỉ nghỉ 1,5 ngày trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Nhiều cửa hàng, siêu thị khác cũng mở bán sớm hơn, nên người tiêu dùng bỏ dần tâm lý tích trữ hàng hóa tết, mà mua đến đâu dùng đến đó.

Chờ đợi mãi lực “bật tăng”

Lượng khách đến mua sắm vào ngày cuối tuần ở chợ Bình Tây (quận 6) đang nhích dần so với bình thường. Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương chuyên ngành bánh kẹo, mứt các loại tại chợ Bình Tây, thông tin: Sức mua chưa tăng cao như kỳ vọng. Thông thường, cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, mãi lực mới bật tăng. Tương tự, các gian hàng mứt tết, trái cây sấy khô, bánh kẹo ở chợ Bến Thành (quận 1); chợ An Đông (quận 5)… cũng có khách hỏi mua, đặt hàng tết, dù mặt bằng chung sức mua còn yếu.

Theo số liệu từ Sở Công thương TPHCM, tổng lượng hàng nông sản cung ứng thị trường TPHCM thông qua 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) đạt khoảng 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản; 5.600 tấn rau củ quả. Ước tính, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 1 tuần, lượng hàng nhập về các chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, ở mức 13.000-15.000 tấn/ngày.

Thông tin từ Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, các mặt hàng thế mạnh của chợ gồm thủy, hải sản, với tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ khoảng 2.500 tấn/ngày, tương ứng trị giá luân chuyển hàng hóa đạt 120 tỷ đồng/ngày. Riêng ngành hàng thủy sản đạt 1.200 tấn, nông sản 1.000 tấn và súc sản khoảng 300 tấn/ngày. Dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tiêu dùng có thể tăng 30%-60% so với bình thường, nâng tổng lượng hàng hóa lên mức 4.000 tấn/ngày.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ, năm nay các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chuẩn bị khoảng 23.000 tỷ đồng cho hàng hóa phục vụ 2 tháng mùa tết, trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Rất nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền “cập bến” TPHCM, giúp đa dạng nguồn hàng, thêm nhiều lựa chọn phong phú cho người dân. Riêng nhóm mặt hàng bình ổn được bán ra với mức giá luôn thấp hơn ít nhất 5% so với hàng hóa cùng quy cách, chủng loại, chất lượng có mặt trên thị trường; tạo điều kiện để người tiêu dùng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm vui sắm tết. Sức mua hiện tại đang “chạy đà” cho những ngày sắp tới và mãi lực thường bật tăng mạnh vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 1-2 tuần.

Giám sát hàng hóa phục vụ tết

Sở Công thương TPHCM đã có văn bản gửi các sở ngành về việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực thực phẩm, bánh kẹo… Đề nghị các sở ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ sức khỏe từ việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, không kiểm chứng chất lượng; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết các dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng.

Tin cùng chuyên mục