Các làng nghề nhộn nhịp
Thời điểm này, người dân, tiểu thương sống bằng nghề làm khô tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các sản phẩm khô tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười hầu hết làm từ cá đồng và sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm nên được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương biết đến và chọn mua.
Gắn bó với nghề làm khô hơn 20 năm, bà Bình Nhung (chợ Bàu Sậy, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cho biết, làm khô quanh năm nhưng sôi động nhất là vào dịp tết. Đây là thời điểm gia đình bà thu mua cá của người dân về thuê nhân công làm sạch, xẻ, tẩm ướt đúng vị sao cho cá tươi ngon nhưng vẫn ngọt vị của cá đồng.
“Nếu như ngày thường chỉ làm từ 100kg-200kg cá/ngày thì vào dịp tết, số lượng tăng lên gấp nhiều lần tuỳ thuộc vào đơn hàng khách đặt tặng, biếu. Giá bán các loại khô ở thời điểm hiện tại từ 140.000- 500.000 đồng/kg, tùy loại. Ở đây bán cho khách hàng quen là chủ yếu nên cơ sở cũng không có ý định tăng giá và thời điểm tết. Tôi nghĩ đây cũng là dịp để mình quảng bá thương hiệu, khách ăn cá ngon sẽ nhớ đến cơ sở và sẽ quay lại mua nên dù tết nhưng cơ sở tôi vẫn bán nguyên giá như ngày thường”, bà Nhung chia sẻ.
Còn tại làng nghề cá khô Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cũng sôi động nhất vào dịp cuối năm. Các phương tiện đánh bắt ngoài khơi vào bờ nghỉ tết mang theo một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ sản xuất cá khô.
Anh Lê Văn Thanh (chủ cơ sở sản xuất cá khô khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng) cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở anh bán khoảng 1 tấn cá khô thành phẩm (cá mối, cá đổng, cá lưỡi trâu)… chủ yếu phục vụ thị trường TPHCM. Dự đoán vụ tết năm nay, sản lượng khô được cơ sở đưa ra thị trường tăng khoảng 40% so với năm trước. Cá làm quà biếu tết đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa đặt, vì vậy cơ sở anh Thanh cũng như nhiều cơ sở sản xuất khô cá dự phòng một lượng lớn để phục vụ trong tỉnh cũng như nhiều người mua mang về quê ăn tết.
Với nghề chế biến cá khô Vàm Láng, mỗi năm sử dụng 5.000 tấn cá các loại, trị giá trên 50 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường 1.500 tấn khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá lù đù… Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán ở thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận.
Tương tự, làng nghề làm tàu hủ ky Đinh Công Hoàng (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cũng sôi động chẳng kém. Do nhu cầu tiêu dùng trong những ngày giáp tết tăng, nên tại cơ sở sản xuất tàu hủ ky cũng tăng quy mô. Theo cơ sở sản xuất tàu hủ ky Đinh Công Hoàng, ngày thường chỉ sản xuất từ 75kg đậu nành, thì nay đã tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Trung bình 75kg đậu nành nguyên liệu cho ra 25kg tàu hủ ky thành phẩm. Hiện tại, làng nghề này có 27 hộ với hơn 200 lao động gắn bó và sản xuất ra thị trường khoảng 7 tấn tàu hũ ky/ngày. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, sản lượng bình quân mỗi ngày từ 12-14 tấn/ngày.
Đặc sản OCOP tiêu thụ mạnh
Hiện nhiều đặc sản của miền Tây tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Sau khi các đặc sản được công nhận đạt chứng nhận OCOP thì doanh thu tăng khoảng 10-30%, giá bán sản phẩm cũng tăng từ 10%-20%. Qua đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là đối tượng phụ nữ vùng nông thôn.
Khóm là cây trồng chủ lực ở vùng đất phèn Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Khóm không chỉ là cây trồng cây giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu, mà còn góp nên hương vị quê nhà, ngọt ngào với món kẹo khóm rất riêng của vùng đất phèn này.
Chị Phạm Thị Bích Ngọc, cơ sở sản xuất kẹo khóm Tân Phước (xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, kẹo khóm được chế biến từ các nguyên liệu như trái khóm chín, đậu phộng, mè, gừng, đường… Tất cả hòa quyện vào nhau theo tỷ lệ thích hợp. Nhưng để làm ra mẻ kẹo khóm thơm ngon, đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay, tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là công đoạn sên, bởi phải canh đủ lửa thì kẹo mới dẻo và thơm.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở chị Ngọc sản xuất khoảng 50kg kẹo khóm, vào mùa tết sản lượng tăng gấp 5, 6 lần mới có đủ kẹo giao cho khách hàng. Hiện kẹo khóm có giá khoảng 90.000 đồng/kg tùy loại. Kẹo khóm là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Phước và đã đạt chứng nhận OCOP.
Ông Mai Sáu, Giám đốc Công ty CP XNK Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết, thời gian qua, mặt hàng bánh phồng tôm sản xuất từ làng nghề Hàng Vịnh tiêu thụ khá mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều sản phẩm bánh phồng tôm từ làng nghề này đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
“Hiện sản phẩm bánh phồng tôm Vĩnh Hoà Phát đã được nâng hạng từ 3 lên 4 sao. Khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì mẫu mã, chất lượng cũng được cải tiến và nâng lên, hệ thống kênh phân phối cũng được hỗ trợ nên sản phẩm được nhiều người biết đến mà mua nhiều hơn. Vì vậy, sản lượng cũng tăng lên 20-20%, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động”, ông Mai Sáu thông tin thêm.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở công thương tỉnh Cà Mau cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ hàng hóa trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nông sản thực phẩm trên 112 tỷ đồng đồng; nhóm công nghệ thực phẩm trên 354 tỷ đồng; nhóm sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản của tỉnh Cà Mau trên 28 tỷ đồng.
Theo ông Nam, dự báo thị trường hàng hóa Tết Nguyên đán giữ mức ổn định, giá cả không biến động nhiều so với ngày thường; sức mua trong dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng từ 5 - 10% so với ngày thường và không tăng nhiều so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2023.