Vào mùa kinh doanh
Các món ăn như bánh chưng, bánh tét, khoanh giò, hũ dưa muối… vốn không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết ở các gia đình. Thế nên, không ít người dân dù sống ở phố thị nhưng vẫn muốn giữ nét văn hóa truyền thống tự tay làm từng món ăn. Tuy dùng không nhiều nhưng không khí ngày xuân là chính. Vì vậy, nhiều gia đình sống cùng con hẻm, cung đường rủ nhau nấu chung nồi bánh chưng, bánh tét. Trước là để có bánh ngon cúng tổ tiên, sau là để con trẻ biết không khí nấu bánh chuẩn bị tết như thế nào, người lớn qua đó cũng bớt nguôi ngoai nỗi nhớ quê.
Chính vì thế, hàng năm chợ nguyên liệu gói bánh chưng tại TPHCM lại nhóm họp. Nói tiếng “chợ” cho sang, thật ra chỉ một khúc đường vài chục mét gần ngã tư Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng 8 quy tụ người kinh doanh của các tỉnh mang lá dong, lá chuối, lạt tre chẻ sẵn bày bán phục vụ người dân thành phố chỉ trong vài ngày cuối năm. Ngoài ra, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cũng có nhiều điểm chuyên kinh doanh nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét như thế.
Tuy nhiên, đa số gia đình không có điều kiện để gói bánh; vì vậy mua hàng làm sẵn là giải pháp mà người tiêu dùng lựa chọn. Chính vì vậy, thị trường bánh chưng, bánh tét mỗi dịp tết về lại xôm tụ, sức tiêu thụ lớn. Bánh được bán trong các siêu thị, chợ truyền thống hay các cá nhân cung cấp qua dịch vụ nhận gói bánh chưng, bánh tét theo yêu cầu.
Đặc sản địa phương
Thị trường hàng hóa giờ đây rất tiện lợi. Ở tại TPHCM cũng có thể mua được hũ tôm đất ngâm chua đúng hương vị Huế, thanh nem chua vị Thanh Hóa, chiếc tré Bình Định, hay những bánh đậu xanh làm tận Hải Dương và cả những chai tương bần Hưng Yên, nồi cá kho làng Vũ Đại (Hà Nam). Nhờ hoạt động phân phối hàng hóa giữa các tỉnh thành thuận tiện nên ngày nay đặc sản của các địa phương đã tỏa đi khắp nơi phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân. Trong đó, không thể không kể đến vai trò của nhà bán lẻ Saigon Coop. Việc mở rộng mạng lưới kinh doanh tại nhiều địa phương đã trở thành cánh tay nối dài của hàng hóa (nơi hệ thống hiện diện) đến các vùng miền khác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm của các tỉnh thành trong khu vực phía Nam đã có mặt trên quầy kệ trong các siêu thị.
Bên cạnh đó, bản thân các cơ sở sản xuất cũng năng động, chủ động tìm kiếm đầu mối phân phối hàng hóa, kết hợp giữa phương thức phân phối truyền thống và hiện đại (thương mại điện tử) để bán hàng, bán sỉ lẫn bán lẻ. Thế cho nên, dù ra chợ, vào siêu thị hoặc mua online, người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm được đủ các nguyên vật liệu chuẩn bị mâm cỗ ngày tết.
Cũng với mục tiêu kết nối đặc sản của nhiều vùng, miền với người tiêu dùng, hàng năm, TPHCM còn phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình kết nối cung - cầu. Qua đó, nhiều sản phẩm vốn trước đây chỉ quanh quẩn ở quê nhà, nay đã tiếp cận phố thị. Như bánh tét Trà Cuôn Hai Lý (sản phẩm tiêu biểu của Trà Vinh) đến nay đã mở được các đại lý lớn và cung ứng vào hệ thống siêu thị Co.opmart, Aeon tại TPHCM. Rồi chả hoa Năm Thụy, thương hiệu của Trà Vinh, cũng được người dân TPHCM biết đến. Và các mặt hàng như chả mực (Hạ Long), bưởi Diễn (Hà Nội), cam Canh (Vinh), thịt heo mọi xông khói, lạp xưởng xông khói Tây Bắc, măng lưỡi lợn Tây Bắc, gà muối… đều có bán tại thị trường TPHCM.
Nhu cầu tiêu thụ ở mùa tết tăng cao nên vào tháng Chạp hàng năm, các làng nghề từ Nam ra Bắc lại tất bật sản xuất để kịp cung ứng thị trường tết. Người tiêu dùng ngày nay muốn khám phá hương vị của sản phẩm ở nhiều vùng miền khác nhau, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa các tỉnh thành trở thành hàng hóa thương mại. Các sản phẩm miền quê càng có sức hút mạnh, bởi sự khác biệt về hương vị đặc trưng.
Với sự đồng hành của các nhà phân phối, sản phẩm riêng của các địa phương ngày càng hoàn thiện hơn. Từ việc tương tác, phản hồi, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm cũng được đơn vị sản xuất đầu tư khâu đóng gói, bao bì đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… và dần chinh phục được khách hàng. Có thể thấy, cùng với mạng lưới hệ thống bán lẻ, mô hình thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực cho các đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước.