Sáng 12-4, đoàn công tác Sở Công thương TPHCM đã có buổi khảo sát vùng nguyên liệu, tìm cách đưa các mặt hàng đặc sản (khô cá dứa, xoài cát Hòa Lộc, mật dừa nước, yến...) của huyện Cần Giờ vào tiêu thụ rộng rãi tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM.
Chia sẻ với đoàn khảo sát, ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai nói rằng, xoài cát của huyện có thương hiệu, có giấy chứng nhận VietGAP, là sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp khó khăn. Có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", khi một số hộ không làm nghiêm túc, lấy sản phẩm từ vùng khác về gắn thương hiệu địa phương để bán ra thị trường...
Ông Huỳnh Văn Thanh kiến nghị cần có chế tài mạnh đối với các hộ sản xuất vi phạm quy định; đồng thời mong muốn địa phương, các sở ngành, doanh nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm ra thị trường...
Thông tin rõ hơn đến bà con, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc phát triển nhãn hàng riêng Saigon Co.op cho biết, một số mặt hàng đặc sản trên địa bàn huyện đang được tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống siêu thị. Tuy vậy, mặt hàng xoài cát chưa có mặt tại hệ thống. Xoài cát Cần Giờ có vị ngọt đậm đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng; nhưng sản phẩm này không nhiều, sản lượng thấp. Trong khi đó, hệ thống Saigon Co.op đang có khá nhiều mặt hàng của nhiều tỉnh thành khác với giá mềm...
Saigon Co.op cam kết bao tiêu đầu ra, giá cả ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, siêu thị mong muốn bà con sản xuất hàng hóa có chất lượng ổn định.
"Làm sao để người tiêu dùng thấy rằng trả giá cao cho xoài Cần Giờ là xứng đáng. Điều kiện đưa hàng vào siêu thị bao gồm sản phẩm có chứng nhận VietGAP, truy xuất được nguồn trồng... Saigon Co.op sẽ có đội ngũ hỗ trợ bà con về kỹ thuật, thu hoạch, đóng gói sản phẩm...", ông Võ Hoàng Anh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sở được UBND TPHCM giao nhiệm vụ kết nối, đưa đặc sản huyện Cần Giờ (xoài cát, yến, khô cá dứa... ) vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Trước mắt, sở tập trung cho mặt hàng xoài cát, sau đó đến các sản phẩm khác. Mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ bà con kiên trì làm thương hiệu, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Cũng sản phẩm xoài cát, nhưng cần làm nổi bật thương hiệu xoài cát Cần Giờ, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân....
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh, cần hình thành thương hiệu và xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Muốn làm được điều này không thể một sớm một chiều mà cần có sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt giữa các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp...
Về phía huyện Cần Giờ, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận, huyện có lợi thế về hàng đặc sản nhưng bà con vẫn chưa biết cách quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm... Hiện tại, vùng trồng xoài chỉ tập trung tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, với khoảng 219 ha cung ứng cho thị trường khoảng 2.500 tấn/năm…
"Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới đặc sản Cần Giờ được người tiêu dùng TPHCM nói riêng, cả nước nói chung biết đến nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập của người lao động. Huyện sẽ luôn đồng hành cùng bà con từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế cũng như quảng bá du lịch địa phương...", ông Trương Tiến Triển cho hay.
Bộ Nông nghiệp tiểu bang Washington khảo sát tiêu thụ táo tại TPHCM
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam, ngày 11-4, đoàn thương mại tiểu bang Washington (Hoa Kỳ) đến tham quan và khảo sát tình hình tiêu thụ táo tại siêu thị MM Mega Market An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM.
Theo ông Derek Sandison, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tiểu bang Washington, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của tiểu bang. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ bang Washington sang Việt Nam đạt 157 triệu USD. Tiểu bang mong muốn hợp tác với các công ty bán lẻ như MM Mega Market để phân phối sản phẩm trái cây như táo, cherry, rượu vang, sản phẩm từ trứng… đến người tiêu dùng Việt Nam.