Đặc sắc vở xiếc “Vùng đất kỳ bí”

Tối 26-1, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chào đón đông đảo khán giả thành phố và du khách quốc tế đến Rạp xiếc Công viên Gia Định, quận Gò Vấp, để thưởng thức vở xiếc mới Vùng đất kỳ bí (chỉ đạo nghệ thuật: đạo diễn - NSƯT Lê Ích Diễn, cố vấn chuyên môn: Nguyễn Phi Sơn, tác giả kịch bản: Thục Trâm, đạo diễn: Nguyễn Quốc Công).

Đặc sắc vở xiếc “Vùng đất kỳ bí”

Vở xiếc được đầu tư dàn dựng quy mô, hoành tráng, với sự tham gia biểu diễn của gần 30 nghệ sĩ, diễn viên xiếc trẻ tài năng, cùng phối hợp thực hiện và trình diễn ấn tượng các kỹ thuật xiếc độc đáo như: đu dây, tung hứng với bóng, múa lửa, nhào lộn, chồng người, giữ thăng bằng trên cao, múa gậy, múa rồng, múa rối que khổng lồ…

DSC08250.JPG
Vở xiếc "Vùng đất kỳ bí" có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc trẻ tuổi tài năng Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC08322.JPG
Câu chuyện xiếc kịch tính, được thể hiện bằng nhiều màn biểu diễn kỹ thuật có độ khó cao, cuốn hút khán giả theo dõi không rời mắt. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC08384.JPG
Màn trình diễn của Thần Thổ và những trái bóng khổng lồ. Ảnh: THÚY BÌNH

Câu chuyện kịch tính của vở xiếcVùng đất kỳ bí bắt đầu từ một ngôi làng, nơi mà hạn hán đột nhiên ập tới, người dân trong làng lo âu, hoang mang... đã đặt hết niềm tin vào một truyền thuyết “Trống gọi trời”.

Từ đây, trưởng làng đã tổ chức một cuộc thi đối kháng giữa các trai trẻ trong làng để tuyển chọn người mạnh nhất, có đủ sức khỏe, trí thông minh, sự can đảm, gan dạ, để lên đường, đi thu thập 5 viên đá tượng trưng cho Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ… đem về đặt vào chiếc trống, cầu mưa cho làng.

DSC08485.JPG
Nữ Thần Nước xuất hiện lung linh, huyền ảo trong câu chuyện đi tìm 5 viên ngọc quý. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC08475.JPG
Màn trình diễn trên cao của các diễn viên xiếc trẻ Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC08369.JPG
Một trong những cảnh diễn mang sắc màu bí ẩn trong câu chuyện kể "Vùng đất kỳ bí". Ảnh: THÚY BÌNH

Sau cuộc tuyển chọn, có một đôi trai gái mạnh mẽ, giỏi giang nhất làng là Tùng và Mon được chọn. Cả hai đã cùng nhau vượt qua bao thử thách, hiểm nguy, cố gắng và nỗ lực để thu thập đủ 5 viên đá và cùng trở về ngôi làng thân yêu.

Trong sự chứng kiến của tất cả người dân, chiếc trống trời đặt giữa quảng trường nổi bật với 5 viên đá quý được đặt cẩn thận trên bề mặt, đại diện cho 5 vị thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

DSC08534.JPG
Màn trình diễn múa lửa. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC08637.JPG
Khi 5 viên ngọc được đặt lên chiếc trống, ngay lập tức trời đổ cơn mưa tươi mát, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho dân làng. Ảnh: THÚY BÌNH

Khi 5 viên đá cùng tỏa sáng cũng là lúc hạn hán và thiên tai biến mất, cả làng cùng nhau nhảy múa chào đón cơn mưa lớn trong niềm vui mừng, hân hoan, hạnh phúc.

Để hoàn thành vở xiếc đặc sắc Vùng đất kỳ bí, ê kíp đạo diễn, biên đạo, các nghệ sĩ, diễn viên xiếc trẻ... đã cùng nhau tập luyện cật lực trong hơn 2 tháng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất các kỹ thuật trình diễn nghệ thuật xiếc có độ khó cao, hoàn chỉnh từng phân cảnh, phát huy hiệu quả hiệu ứng âm thanh, ánh sáng… kịp thời ra mắt vở diễn phục vụ khán giả gần xa vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Vở xiếc Vùng đất kỳ bí sáng đèn trong tết 2025 với tổng cộng 18 suất. Trong đó có 2 suất diễn trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sau đó sẽ biểu diễn liên tục từ ngày 29-1-2025 (mùng 1 Tết) đến ngày 9-2-2025 (12 tháng Giêng Âm lịch), tại Rạp xiếc Công viên Gia Định, quận Gò Vấp.

Một số clip trong vở xiếc Vùng đất kỳ bí. Clip: THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục