Đánh thức tiềm năng
Nằm lọt thỏm giữa trung tâm di sản, văn hóa cổ Sa Huỳnh (rộng 1.700ha), làng Gò Cỏ (Đức Phổ - Quảng Ngãi) với 83 hộ dân khá biệt lập. Mấy năm nay, Gò Cỏ được biết đến như là một điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, kỳ bí - nơi du khách được trải nghiệm một không gian sống cổ xưa, dưới trầm tích văn hóa, lịch sử có niên đại 2.500-3.000 năm.
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Gò Cỏ, kể lại: “Trước đây, làng Gò Cỏ vốn là địa phương nghèo nhất vùng. Làng mạc xưa hoang hóa do lực lượng lao động có sức khỏe, người trẻ ly hương làm thuê; trong làng chỉ còn người già, trẻ nhỏ. Về sau, với sự quyết tâm cao của một số người tiên phong, cùng với sự giúp đỡ, động viên từ chính quyền, Gò Cỏ dần phát triển thành làng du lịch cộng đồng rất tiềm năng. Bây giờ bà con trong làng đã nhận thức, hưởng ứng và năng nổ tham gia làm du lịch. Người trẻ cũng dần trở về làng để góp công, góp sức cùng chúng tôi. Sản phẩm du lịch Gò Cỏ là những gì thiên nhiên, tổ tiên chúng tôi để lại dựa trên nền tảng ý chí cộng đồng”.
Tháng 12-2020, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ chính thức được tỉnh Quảng Ngãi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trên cơ sở đó, công viên di sản làng Gò Cỏ ra đời với bản đồ du lịch rất chi tiết về 105ha lõi di sản Sa Huỳnh. Hiện, làng Gò Cỏ có 9 tổ du lịch cộng đồng, gồm: homestay, ăn uống, giao lưu, bài chòi, hát múa; 3 tổ trải nghiệm nấu ăn, đan lưới, làm nông dân; và 9 tổ trải nghiệm (mỗi tổ 5-7 thành viên) thuyền chèo bằng tre ven biển…
Nép mình bên đô thị Đà Nẵng, làng biển cổ Nam Ô bây giờ vẫn còn gìn giữ được nhiều giá trị truyền thống quý báu. Nam Ô là đại diện tiêu biểu nhất của những ngôi làng biển làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng và cả miền Trung. Đây cũng là cái nôi lâu đời nhất của nghề làm nước mắm truyền thống với sản phẩm OCOP 4 sao. Bà Lê Nguyễn Hoàng Tâm (69 tuổi) là thế hệ kế cận nối nghiệp đã 35 năm trong một gia đình có nhiều đời làm nước mắm. Theo lời bà Tâm, nước mắm Nam Ô chứa đựng một câu chuyện lịch sử đầy biến cố, kết tinh từ hàng trăm năm của chặng đường hình thành, phát triển làng biển Nam Ô. Bên cạnh nghề làm nước mắm truyền thống, làng biển này còn giữ được nhiều di tích văn hóa, lịch sử và sở hữu cảnh quan đẹp với dạng địa hình tiếp nối rừng, đèo núi, ghềnh đá, biển…
Xây dựng chuỗi giá trị
Ở Bình Định, Phú Yên, nhiều làng biển, làng quê hoang sơ nghèo khó với thiên nhiên đẹp cũng đang bắt đầu được đánh thức nhờ du lịch. Nơi đây là sự kết nối, giao thoa giữa không gian biển kết hợp với vùng bán bình nguyên, di tích cổ, danh thắng, đầm vịnh, đèo núi và trầm tích địa chất độc đáo.
Làng trồng rau sạch truyền thống Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) nằm kẹp giữa 2 nhánh sông Kôn, với những nếp nhà xưa cổ kính kết nối không gian di tích, lịch sử của nhà Tây Sơn, khu thắng cảnh Hầm Hô, tháp Chăm… Hiện, làng rau cổ truyền này đang chuyển hướng trồng rau theo chương trình VietGAP và phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng.
Mấy năm nay, HTX nông nghiệp, du lịch cộng đồng An Mỹ (gọi tắt HTX An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) khá thành công với sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng Mộc Miên Rocky Garden, vừa được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX An Mỹ, chia sẻ, lĩnh vực mà đơn vị tập trung khai thác là nông nghiệp, du lịch kết hợp với giáo dục. Hiện, HTX đã ký kết hợp tác với công ty đầu tư di trú ở TPHCM, đào tạo học viên làm farm (chăm sóc, thu hoạch nông sản) để tìm cơ hội việc làm tại Úc. Bên cạnh đó, HTX mở thêm các hoạt động huấn luyện chăm sóc vật nuôi, cây trồng và các tour du lịch trải nghiệm, học tập cho trẻ em, học sinh…
Theo TS Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - miền Trung, một trong những yếu tố cốt lõi để có sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền được định hình bền vững là phải phát triển tổng thể làng, hoặc chủ thể sở hữu sản phẩm đó. Các sản phẩm OCOP về du lịch cần phải xây dựng được chuỗi giá trị trải nghiệm, tăng tính cộng đồng, dấu ấn bản địa; mỗi sản phẩm cần mang trong mình một câu chuyện độc đáo, cuốn hút.