
6 năm từ khi Washington tung cuộc chiến nhằm vào Taliban và Al-Qaeda tại Afghanistan, tiếng súng chưa thật sự kết thúc và lính đặc nhiệm Mỹ tiếp tục đối mặt kẻ thù trong bóng tối. Căng thẳng thường trực khiến lính đặc nhiệm Mỹ – lực lượng chủ yếu tại chiến trường Afghanistan, trận địa chưa ngưng tiếng súng – thường xuyên lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm lý.
Từ huấn luyện đến thực tế

Đặc nhiệm Mỹ tại Afghanistan.
Thiếu tá Christopher Miller nằm trằn trọc trong căn phòng bẩn của cái chòi nhỏ, không lớn hơn buồng giam trại tù với đầy súng và thùng đạn. Anh không thể ngủ. Đó là một đêm lạnh buốt vào tháng giêng tại căn cứ đặc nhiệm Mỹ ở Kandahar và Miller chuẩn bị chỉ huy cuộc tấn công 6 tên Al-Qaeda cố thủ trong một bệnh viện gần đó.
Miller hình dung nhiều bất trắc có thể xảy ra và đem lại thảm họa. Lần đầu tiên trong đời, Miller tham gia một CQB – từ quân sự viết tắt có nghĩa trận đánh cận chiến (close-quarters battle). Tám năm có mặt trong lực lượng đặc nhiệm, Miller chưa từng giết người hay được ra lệnh giết người và thậm chí chưa thấy xác lính tử trận. Cuộc cận chiến của Miller sẽ là một trong những cuộc giao chiến điển hình của lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong môi trường đô thị tại chiến trường Afghanistan.
Lần cuối cùng mà quân đội Mỹ đối mặt những CQB khốc liệt là cuộc chiến Việt Nam với hơn 50.000 lính tử trận và hàng chục ngàn người bị thương, cùng những cơn khủng hoảng tâm lý không dứt. “Rối loạn tâm lý sau thảm kịch” trở thành cụm từ quen thuộc của báo chí khi nói về cựu binh Mỹ. Đó là tình trạng mà Lầu Năm góc cho rằng nó không tồn tại trong quân đội Mỹ hiện nay khi tính khốc liệt của cận chiến được hạn chế tối đa bằng chiến thuật không kích trước khi tung quân đổ bộ. Thực tế lại khác, lính đặc nhiệm lúc nào cũng trong tâm trạng căng như quả bóng phình hết cỡ và tâm lý dễ mất ổn định.
Lính đặc nhiệm được huấn luyện khắc nghiệt hơn các binh chủng khác trong quân đội Mỹ. Họ được đào tạo cho chiến tranh bất quy ước, từ hoạt động trong chiến tuyến địch đến chiến đấu du kích trong môi trường rừng rậm. Lính đặc nhiệm được huấn luyện chủ yếu tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt John F. Kennedy ở Fort Bragg (bang North Carolina). Thường được gọi bằng tiếng lóng Schoolhouse, đây là trung tâm chính đào tạo lính đặc nhiệm trong các khóa huấn luyện nằm gai nếm mật kéo dài 2-3 năm. Khả năng đấu tranh sinh tồn được kích thích tối đa: cách sống sót trong rừng rậm, sa mạc hoặc hoang đảo…
Mọi kỹ năng mà con người có thể thực hiện đều được huấn luyện: cách nhảy từ máy bay phản lực và chờ đến giây cuối cùng mới bung dù; cách đột kích trong phòng tuyến địch; cách trốn tù; cách giết người bằng mọi công cụ – từ sợi dây cho đến con dao nhựa cắt bánh. Đến Schoolhouse, người ta sẽ thấy lính đặc nhiệm tập luyện như thế nào. Trong cái hố bùn, một toán tân binh chuyển các súc gỗ bằng đầu. Người này chuyền người kia, liên tục, cho đến khi tân binh nào đó chịu hết nổi, bật khóc…
Trong binh chủng đặc nhiệm, việc tập luyện không bao giờ kết thúc. Sau khi tốt nghiệp Schoolhouse, lính đặc nhiệm thường xuyên tham gia tập trận trong môi trường đô thị. Cứ 18 tháng, họ phải hoàn thành khóa Chiến đấu trong môi trường đô thị nâng cấp. Trong chương trình tập trận này, họ được bắn đạn thật, không hạn chế. Quy định trên ra đời nhằm giúp lính đặc nhiệm làm quen với không khí chiến tranh thật sự và đối mặt thường xuyên với ranh giới giữa sự sống và cái chết ngoài trận địa.
Khóa cuối cùng thẩm định khả năng tân binh là chương trình huấn luyện căng thẳng nhất, nhằm thử nghiệm sức chịu đựng tâm lý, kéo dài ba tuần. Gọi tắt là SERE (survival, evasion, resistance, escape – sống sót, lẩn trốn, đối kháng và đào thoát), khóa huấn luyện buộc tân binh tham gia mô hình giống thật, chẳng hạn một trại tù với tháp canh, hàng rào kẽm gai và lính canh hung ác (đúng nghĩa đen). Họ bị đối xử khắc nghiệt: dùng thức ăn thối, bị đánh thức thình lình và liên tục, đối mặt sức ép “tra tấn thần kinh” với những cuộc thẩm cung bị bịt kín mắt… (chi tiết về SERE luôn được giữ bí mật tuyệt đối). Tân binh nào gục trong giai đoạn SERE coi như không tốt nghiệp Schoolhouse.
Cái giá phải trả sau những CQB
Tháng 1-2002, tại Kandahar, đặc nhiệm Mỹ thực hiện cuộc đọ súng với Al-Qaeda tại Bệnh viện Mirwais. Nhóm Al-Qaeda – bị thương trước khi thành phố rơi vào tay Liên minh phương Bắc – đã bị bỏ lại khi đồng bọn tháo chạy lên các ngọn đồi. Chúng kiên quyết không đầu hàng. Đêm nọ, một tên Al-Qaeda lẻn ra ngoài và bị lính Liên minh phương Bắc vây kín. Hắn tự sát bằng quả lựu đạn. Toán đặc nhiệm dưới sự chỉ huy của thiếu tá Christopher Miller được lệnh giết sạch 6 tên Al-Qaeda trốn trong Mirwais.
Trước bình minh ngày 28-1-2002, kế hoạch được triển khai. Đại úy Matthew Peaks (mật danh Python 33) – chỉ huy nhóm Liên minh phương Bắc – đã sẵn sàng. Nghe mệnh lệnh của Rambo 70 (Christopher Miller) từ bộ đàm, Matthew Peaks đưa nhóm Liên minh phương Bắc vào trận. Dùng chất nổ phá thủng tường, toán Liên minh phương Bắc ào vào trong và quẳng lựu đạn xuống các hành lang. Khói lựu đạn cay khiến hai tên Al-Qaeda thò mặt ra cửa sổ. Một lính bắn tỉa đặc nhiệm nổ súng hạ gục. Tuy nhiên, bọn Al-Qaeda còn lại vẫn không đầu hàng.
Đúng lúc đó, lính đặc nhiệm Mỹ sộc vào trong. Cùng ba lính Liên minh phương Bắc, ba đặc nhiệm Mỹ chạy dọc hành lang chính, đến căn phòng mà bọn Al-Qaeda cố thủ. Lựu đạn được thảy vào nhưng bọn Al-Qaeda quẳng ngược ra. Trong đợt tấn công lần hai, lính đặc nhiệm Mỹ Joe Haralson rút chốt lựu đạn và chờ vài giây trước khi ném vào trong. Nhóm Al-Qaeda bị tiêu diệt…
Mùa hè năm nay, tại trại Fort Bragg (bang North Carolina), bốn lính Mỹ đã giết chết vợ và ba trong số đó là lính đặc nhiệm trở về từ chiến trường Afghanistan. Những vụ hành hung vợ của lính đặc nhiệm – ngay cả khi họ chưa tham gia chiến trường – vẫn xảy ra như cơm bữa. Cội nguồn vấn đề ở chỗ họ căng thẳng quá mức trong thời gian huấn luyện. |
Sau nhiều trận tương tự, nhiều lính đặc nhiệm bắt đầu biểu hiện dấu hiệu khủng hoảng tâm lý. Trong bài viết trên chuyên san Military Review gần đây, đại tá Peter Kilner – giáo sư tâm lý trường quân sự West Point – nói: “Việc huấn luyện lính giết người hiệu quả là tốt cho họ vì nó giúp họ sống sót trên trận địa nhưng huấn luyện mà không hề giải thích tại sao giết người là điều nguy hiểm có tác hại khôn lường. Sau trận đánh, họ dễ đối mặt sự tự vấn lương tâm về những vấn đề liên quan đến đạo đức.
Nếu không thể lý giải những gì mình làm, họ thường hứng chịu tâm trạng tội lỗi. Khủng hoảng tâm lý là điều không thể tránh khỏi”. Chính thiếu tá Christopher Miller cũng kể rằng đêm không ngủ trước trận đánh (kể trên) là thời gian mà anh đối mặt với những câu hỏi đạo đức về hành động của mình. Miller ở Afghanistan gần 6 tháng (có lúc phụ trách bảo vệ an ninh cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai). Trở về với vợ và ba con tại Mỹ, Miller không lần nào hé miệng kể về những gì mình làm tại Afghanistan. Ký ức của anh không chỉ bị lấn át bởi cuộc tấn công Al-Qaeda mà còn bị ảnh hưởng từ một sự việc kinh hoàng: một toán đặc nhiệm đã bị chính bom Mỹ thả trúng. Ba lính đặc nhiệm bị giết mà hai người trong số đó là bạn thân của Miller. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Peter Maass (New York Times Magazine), Miller đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến vụ trên. Đó là chưa kể nhiều vụ khác với tính thảm khốc tương tự.
Lính đặc nhiệm Mỹ được huấn luyện tốt nhưng điều đó không có nghĩa họ luôn trở về và sống với tâm trạng bình thường, đặc biệt sau khi từng đối mặt Thần chiến tranh lẫn Thần chết. Đúng là họ được huấn luyện vô số kỹ năng sống sót nhưng trong các khóa huấn luyện họ chưa bao giờ thấy đồng đội chết như thế nào ngay trước mắt mình. Người vợ góa và con của lính đặc nhiệm tử trận không bao giờ được kể về nỗi kinh hoàng thật sự của cuộc chiến và họ không thể hình dung cũng như trải nghiệm sự sống mong manh trên trận địa ra sao. Cả những người trong Nhà trắng lẫn Lầu Năm góc cũng vậy.
Việt Bình