Nối tiếp truyền thống anh hùng, lực lượng đặc công nói chung và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 nói riêng luôn nỗ lực rèn luyện, sáng tạo, dũng cảm vượt mọi khó khăn thách thức để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, những đặc công hải quân còn tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong môi trường khắc nghiệt để mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Khổ luyện, sẵn sàng chiến đấu
Giữa nắng nóng như đổ lửa, trên sân tập của Đại đội 6, Đại úy Phạm Thị Hà chưa đầy 5 phút đã “hạ gục nhóm thanh niên gồm 5 tên lực lưỡng có trang bị vũ khí”. Đây là bài tập đối kháng trong nhiều nội dung huấn luyện gian khổ tại Lữ đoàn 126. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự bất ngờ khi biết rằng, người phụ nữ mạnh mẽ kia lại là một nhân viên nấu ăn thuộc Phòng Hậu cần của Lữ đoàn 126. Chị hăng say luyện tập, luôn sẵn sàng chiến đấu như bao cán bộ, chiến sĩ nam tại đơn vị.
Đại úy Phạm Thị Hà luyện võ đối kháng cùng các chiến sĩ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Trong khi đó ở Đại đội 2, Trung úy Nguyễn Bá Trường là Chính trị viên phó phụ trách công tác đảng, công tác chính trị ở đại đội nhưng hàng ngày vẫn cùng anh em chiến sĩ rèn luyện trên thao trường để có thể sẵn sàng đảm nhiệm và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao. “Huấn luyện của đặc công là nặng nhọc nhất trong các đơn vị chiến đấu, nên để phát huy được năng lực và phẩm chất từng cá nhân chiến sĩ thì cán bộ chỉ huy càng phải nêu gương”, Trung úy Nguyễn Bá Trường chia sẻ.
Theo lãnh đạo Lữ đoàn 126, huấn luyện đặc công nước là một công việc hết sức phức tạp, gian khổ, nên đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có ý chí, nghị lực và quyết tâm rất cao. Mùa đông giá rét cắt da thịt vẫn phải ngâm mình trong nước lạnh nơi cửa sông, hay giữa biển khơi; mùa hè nắng gắt vẫn vùi mình trong cát cháy. Mệt, nhọc, vất vả là vậy nhưng không một ai nản chí. Thậm chí, kể cả những cán bộ chỉ huy đứng tuổi cũng vẫn tích cực tập luyện với chiến sĩ trẻ, tạo ra một không khí sôi nổi, hào hứng trong đơn vị.
Mỗi chiến sĩ sau khi được huấn luyện xong các khoa mục tối thiểu phải đạt những điều kiện như: có võ thuật để đánh đối kháng với nhiều đối tượng khác nhau, bơi dài thuần thục trên sông, trên biển có trang bị khí tài; bơi trong mọi thời tiết, trong điều kiện sóng to gió lớn; phải biết lặn sâu, lặn đúng hướng, đúng mục tiêu; thậm chí có thể bơi hàng chục cây số, có thể thả trôi, nổi trên mặt biển nhiều giờ liên tục và lặn sâu dưới nước hàng chục mét… Bên cạnh đó, khi hành quân dã ngoại, mỗi cán bộ, chiến sĩ có thể mang vác hàng chục ký trở lên và đi bộ được trên mọi địa hình với chiều dài vài trăm cây số trong thời gian ngắn.
Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 126, cho biết, do đơn vị có địa bàn thực hiện nhiệm vụ trải rộng trên các vùng biển của Tổ quốc nên để đủ sức chiến đấu trong những môi trường đặc biệt và đạt đến trình độ tinh thông, điêu luyện về kỹ thuật và chiến thuật, mỗi chiến sĩ của đơn vị đã và đang thực hiện tiêu chí 5 giỏi (bơi lặn giỏi; võ giỏi; bắn giỏi, tác chiến giỏi; giỏi chịu đựng khó khăn gian khổ; nghĩa tình đồng đội, quân dân keo sơn). Đồng thời, ở đơn vị cũng có mô hình “Nhiều hơn 1” (cán bộ, chiến sĩ luôn vượt lên bản thân, một người có thể làm việc nhiều hơn chính mình) để động viên, thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ nỗ lực vượt qua bản thân và mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ giải cứu
Dù đã 2 năm trôi qua nhưng Trung tá Bàn Văn Thanh (Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện lặn sâu, Lữ đoàn 126) vẫn nhớ rõ những giờ phút căng thẳng cùng đồng đội quần thảo với sóng gió Biển Đông để thực hiện giải cứu tàu Vietship 01 gặp nạn ngoài khơi vùng biển Quảng Trị vào tháng 10-2020.
Trung tá Bàn Văn Thanh kể, lúc đó khoảng 21 giờ ngày 10-10-2020, khi đang đóng quân ở Đà Nẵng thì nhận được lệnh cấp trên chuẩn bị tham gia cứu hộ tàu Vietship 01 gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) do ảnh hưởng của bão biển. Ngay khi nhận lệnh, Trung tá Bàn Văn Thanh chỉ huy lực lượng hành quân từ Đà Nẵng ra Quảng Trị. Thời điểm đó đã có một số lực lượng khác tham gia giải cứu con tàu nhưng không thành, trong khi tính mạng của 9 thuyền viên đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Cùng với quá trình chuẩn bị lực lượng, Trung tá Bàn Văn Thanh hiệp đồng lực lượng khác để tổ chức phương tiện xuống hiện trường ngay trong đêm tối. “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, nên luôn phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ để hoàn thành được nhiệm vụ và bảo đảm an toàn cao nhất trong điều kiện thời tiết rất nguy hiểm”, Trung tá Bàn Văn Thanh chia sẻ.
Sau khi làm công tác tư tưởng, Trung tá Bàn Văn Thanh lựa chọn được 11 chiến sĩ đặc công ưu tú nhất của đại đội để tham gia đoàn “giải cứu”. Xe đưa đoàn đặc công nước ra tới Quảng Trị lúc gần 3 giờ sáng. Đến gần 6 giờ, nhóm đặc công nước do Trung tá Bàn Văn Thanh chỉ huy đã nhanh chóng tiếp cận được hiện trường, dù lúc này trời đang mưa to và sóng gió rất dữ dội. “Hội ý nhanh tại thực địa, lúc đó đồng chí Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Tham mưu trưởng Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy, giao nhiệm vụ cho tôi với hy vọng: Bây giờ chỉ còn trông chờ vào các anh”, Trung tá Bàn Văn Thanh kể.
“Lúc hội ý, bằng linh cảm và sự tự tin qua công tác huấn luyện, tôi khẳng định, chúng tôi sẽ cứu được 9 thuyền viên”, Trung tá Bàn Văn Thanh nhớ lại. Sau khi nghiên cứu kỹ hiện trường và điều kiện thời tiết, Trung tá Bàn Văn Thanh đề xuất cử tổ giải cứu gồm 3 người (1 sĩ quan, 1 chiến đấu viên, 1 chiến sĩ) cùng các thiết bị, phương tiện tiến hành cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên gặp nạn. Quá trình giải cứu do sóng lớn, gió to nên không ít lần tổ giải cứu bị sóng đánh ra xa mục tiêu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của Trung tá Bàn Văn Thanh và quyết tâm phải hoàn thành được nhiệm vụ, tổ giải cứu đã tiếp cận được tàu Vietship 01. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng không quân chi viện tới hiện trường, các chiến sĩ đặc công hải quân đã đưa được 9 thuyền viên mắc kẹt trên tàu lên bờ an toàn trong tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo người dân địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Bàn Văn Thanh và các chiến sĩ đều có chung suy nghĩ, dù đây là nhiệm vụ ở thời bình nhưng lại rất khó khăn và nguy hiểm, không khác gì chiến đấu. Từ thực tế đó, nếu không thường xuyên rèn luyện để có được sức khỏe tốt, kỹ thuật, động tác thuần thục sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn nguy hiểm tính mạng.
Trong thời gian ở Lữ đoàn 126, chúng tôi còn được gặp, được nghe nhiều câu chuyện về những “Yết Kiêu” thời hiện đại vô cùng mưu trí, dũng cảm thực hiện được những nhiệm vụ đặc biệt mà ít ai có thể hình dung nổi. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, nhất là yêu cầu bảo đảm bí mật quân sự nên những chiến công đó không được tiết lộ.
Không chỉ tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu trong huấn luyện, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu mà Lữ đoàn 126 còn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển; giúp đỡ người dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để lại tình cảm tốt đẹp với chính quyền, nhân dân địa phương trên địa bàn đơn vị đóng quân. Cùng với đó, tại đơn vị còn có các mô hình như “Ngày đồng đội” nhằm hỗ trợ các quân nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tri ân các cựu chiến binh đặc công hải quân và nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Những người lính đặc công Hải quân cho biết, họ luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời Bác dạy: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt cần phải có cố gắng đặc biệt…” để viết tiếp truyền thống vẻ vang “Anh dũng mưu trí - Khắc phục khó khăn - Đoàn kết lập công - Chiến thắng liên tục” trong cuộc sống hòa bình hôm nay.