Lữ đoàn 126 là lực lượng đặc công nước được thành lập ngày 13-4-1966. Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, Lữ đoàn 126 vừa trực tiếp chiến đấu với hải quân Mỹ - ngụy trên sông, biển miền Nam, vừa huấn luyện bộ đội đặc công nước cho quân đội ta. Đặc biệt, trong những năm tháng ở chiến trường khốc liệt Cửa Việt - Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã có rất nhiều trận chiến oanh liệt, khiến kẻ địch khiếp sợ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh kể lại những trận đánh lịch sử năm xưa của đặc công hải quân cho phóng viên Báo SGGP. Ảnh: QUANG PHÚC |
“Xin phép được đánh, rút về tiếc lắm!”
Để tìm hiểu thêm về trận đánh tiêu diệt tàu vận tải 5.000 tấn của Mỹ ở cảng Cửa Việt ngày 13-11-1969, chúng tôi tìm đến nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh ở phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Lê Xuân Sênh vẫn rất tráng kiện, giọng nói sang sảng. Trong khu vườn rợp bóng cây, ông Sênh tự hào kể về thời trai trẻ nhiều hoài bão của một thanh niên bơi giỏi nhất làng. Năm 25 tuổi, khi đã có vợ và 2 con, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ với khát vọng chiến đấu để đất nước sớm hòa bình. Ông được phân về đơn vị công binh. Sau đó, nhờ năng khiếu “Yết Kiêu”, ông được gọi đi học đặc công nước.
Sau thời gian khổ luyện, năm 1969, chiến sĩ Lê Xuân Sênh được đưa vào chiến trường Quảng Trị và trận đánh ở cảng Cửa Việt là trận đầu tiên ông trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhớ lại trận đánh, ông Sênh kể: “Lúc đó, Bác Hồ mới mất nên cả nước rất đau buồn, tiếc thương. Do vậy, trước trận chiến, đơn vị phát động phong trào “Thi đua giết giặc lập công” để đền ơn Bác, biến đau thương thành hành động cách mạng. Đồng đội gồm 7 người được lệnh từ Hải Phòng vào cảng Cửa Việt để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là phải đánh chìm tàu vận tải 5.000 tấn của Mỹ và đánh xong phải rút ra Bắc ngay trong đêm. Đây là trận đánh đặc biệt, bởi địch rất mạnh, nhưng ta quyết tâm đánh chìm bằng được tàu địch để tiêu hao sinh lực địch, gửi đi thông điệp: Dù địch có bố trí phòng thủ hiện đại cỡ nào thì đặc công cũng đánh thắng được”.
Ngày 13-11-1969, Phân đội 1 lựa chọn được 7 người nhái xuất sắc, trong đó 6 người là cán bộ và mình ông Sênh là chiến sĩ. Cùng ngày, lợi dụng trời tối và máy bay địch đã về căn cứ, nhóm đặc công vừa chạy, vừa bò dọc sông Bến Hải theo trinh sát để tiếp cận mục tiêu. Lúc đó, mỗi “người nhái” chỉ có khẩu súng AK, dao găm và quả lựu đạn, riêng ông Sênh được mang thêm 2 quả mìn hẹn giờ nặng 7kg. Đúng 23 giờ, “biệt đội” tiếp cận trận địa của địch, nhưng do mục tiêu di chuyển bất ngờ nên quãng đường tiếp cận khó khăn hơn và chịu nhiều sức ép về thời gian. Do đó, kế hoạch được cấp trên đưa ra là nên rút ra để bảo toàn lực lượng. Nghe vậy, chiến sĩ Lê Xuân Sênh liền quay sang đề xuất với Phân đội phó Lê Văn Tập: “Hay ta cứ đánh, khó khăn lắm mới vào được tới đây, giờ lại không đánh thì tiếc lắm. Nếu không kịp, anh cứ nói anh em về trước, 2 anh em mình đánh xong sẽ tìm đường bơi dọc bờ về sau”.
Trước đề xuất táo bạo của chiến sĩ trẻ Lê Xuân Sênh, chỉ huy đã đồng ý để 2 người tiếp tục vào đánh. Được lệnh, ông Sênh và Phân đội phó Lê Văn Tập liền lấy đoạn dây liên kết 2 người với nhau để làm “phương tiện” liên lạc, rồi từ từ bò xuống sông bơi chìm, chỉ thở qua một ống tre ngắn để tiếp cận mục tiêu.
“Trong khu vực quân sự, địch chiếu đèn sáng như ban ngày, quanh tàu là 2 chiếc tàu tuần tiễu chạy, cứ một lúc lại ném lựu đạn. Cách tàu khoảng 300m, tôi xin đi trước, đi được lúc lâu, tự nhiên thấy trời tối mịt. Hóa ra, địch vừa ném lựu đạn ngay bên cạnh. Hai tai tôi ù, phải chìm xuống lâu, uống cả nước sông. Sau đó cố ngoi lên thì thấy trời tối om, 2 anh em đã va vào mạn khuất con tàu 5.000 tấn nên ánh đèn bảo vệ không chiếu tới”, ông Sênh nhớ lại.
Chạm được vào mục tiêu, ông Sênh hồi hộp giật dây báo cho Phân đội phó Lê Văn Tập biết. Lúc đó, không nghĩ ngợi, ông Sênh tháo quả mìn đeo bên hông ốp ngay vào mạn tàu địch với suy nghĩ “nếu địch phát hiện sẽ cho nổ luôn”. Ở trong bóng tối, ông Sênh ra hiệu với chỉ huy Lê Văn Tập ở lại để bản thân tìm khoang máy. Tới được khu vực khoang máy, ông Sênh lặng lẽ dùng dao cạo vỏ con hà để ốp mìn cho chắc, rồi từ từ rút 3 chốt (1 chốt chống tháo, 2 chốt hẹn giờ) rồi quay lại vị trí ông Lê Văn Tập đang chờ.
“Mỗi quả mìn hẹn giờ, nếu không rút được 3 chốt coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ... Khi 2 anh em quay ra thì gặp dòng nước ngược, rất khó khăn di chuyển, anh Tập mất sức, ngoi lên thở, bị địch phát hiện bắn liên tục và ném lựu đạn rát tai. Cũng may là chúng tôi kịp lánh sang mạn thuyền khác để tránh và cứ như vậy đi ngầm dưới nước tới hơn 24 giờ thì đến nơi tập kết”, ông Sênh kể tiếp.
Khi gặp lại đồng đội, dù đuối sức, rất mệt nhưng ai cũng cảm thấy sung sướng khi 2 tiếng nổ long trời lở đất đã nhấn chìm con tàu 5.000 tấn của địch trong ít phút. Với chiến công này và nhiều chiến công sau đó, ngày 15-9-1972, ông Lê Xuân Sênh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Viết tiếp trang sử hào hùng
Trong không gian Phòng Truyền thống của Lữ đoàn 126, qua lời giới thiệu của Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó Chính ủy, về từng nhân vật anh hùng, từng kỷ vật gắn bó với các trận đánh, chúng tôi không khỏi bất ngờ và thán phục truyền thống vẻ vang, hào hùng của đơn vị. Ngay sau ngày thành lập 13-4-1966, Đoàn Huấn luyện trinh sát Đặc công Hải quân 126 (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 ngày nay) đã tham gia chiến đấu dũng cảm, kiên cường, với nhiều chiến dịch lớn như: Đường 9 Quảng Trị (1967); Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); Đường 9 - Nam Lào (1969)… Đặc biệt, trong 7 năm chiến đấu liên tục ở mặt trận Cửa Việt - Đông Hà (1966-1973), cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã đánh hàng trăm trận, đánh cháy, đánh chìm, phá hủy và đánh hỏng hơn 400 tàu địch các loại, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Không chỉ có vậy, Lữ đoàn 126 còn huấn luyện hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước ưu tú, chi viện cho chiến trường sông, biển miền Nam. Chính số cán bộ, chiến sĩ đó đã lập nên những chiến công vô cùng xuất sắc như: đánh cháy Kho xăng Nhà Bè; đánh tàu trên sông Sài Gòn, cùng nhiều chiến công vang dội của đặc công Rừng Sác.
Trên những vùng đất bom đạn ác liệt này, với sự chở che, đùm bọc của nhân dân, những người chiến sĩ đặc công hải quân đã “xuất quỷ, nhập thần” khiến cho kẻ thù kinh hãi. Đặc biệt, những “người nhái” này đã vượt sóng to, gió lớn, bí mật, bất ngờ phối hợp cùng các lực lượng khác giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, cùng quân, dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Thượng tá Trần Thanh Hải chia sẻ, việc ra đời của lực lượng đặc công hải quân là sự kế thừa và phát triển cách đánh giặc độc đáo của cha ông ta lên một tầm cao mới. Đó là nghệ thuật tác chiến “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng thắng số lượng đông”, luồn sâu, đánh hiểm, thắng lớn.
Theo Thượng tá Trần Thanh Hải, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng Hải quân, với quan điểm kế thừa, phát huy cách đánh truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa, thành quả của khoa học kỹ thuật tiên tiến, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế để nâng cao hiệu quả, hiệu suất chiến đấu. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới, đặc công hải quân còn nghiên cứu và huấn luyện cách chống khủng bố trên sông, biển.
Trong khi đó, Trung tá Nguyễn Văn Trung (Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 126) cho rằng, để viết tiếp những trang sử hào hùng của đơn vị, cần đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, nhất là với chiến sĩ trẻ.
Nhắn nhủ thế hệ đặc công đi sau, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sênh bày tỏ: “Ý chí, quyết tâm, sáng tạo của người Việt Nam không ở đâu bằng. Thế hệ đặc công bây giờ cần trang bị tốt về sức khỏe, sự dẻo dai; phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự và hơn hết phải đoàn kết một lòng”.