Thế nhưng, Ngà mừng hơi sớm. Thiên hạ đã nghĩ ra đủ thứ “Ter” rồi ABC gì đấy, khiến Ngà chưng hửng thêm một đoạn mới nhìn thấy đầu hẻm. Không sao. Xuyệt ba thì cũng ngay đây thôi mà.
Lần này cũng là lạc quan quá nhanh. Chẳng lạ lẫm gì cách đánh số nhà có phần loạn xạ của xứ này, Ngà vẫn hoang mang tới lui. Quái thật. Hẻm rộng nhưng đông đúc, đầy hàng quán, hoa kiểng, chó mèo, những bảng hiệu nhấp nháy ánh đèn tấp nập. Ngà thở một hơi dài, giật mình nhận ra phía bên kia đường không phải xa lạ gì. Xưa, lúc chưa thành bà mẹ hai con, ngày ở văn phòng, chiều tối luẩn quẩn bếp núc, Ngà từng qua đây ăn cơm canh rau đay cua đồng. Nay Ngà chỉ thèm được ngả lưng chợp mắt đôi chút là hạnh phúc lắm rồi.
Hóa ra người ta có thể thuê chung một cái mặt bằng, mỗi tầng kinh doanh mỗi dịch vụ khác nhau, chả liên quan gì. Thời buổi tấc đất tấc vàng, nhất là ở cái khu buôn bán sầm uất xôn xao như này. Ngà leo lên cái cầu thang uốn lượn hết mức, gờn gợn câu hỏi: Sao chỗ này vắng vẻ quá, đâu giống một cái quán để gặp mặt?
Không gian có lẽ chẳng quá bé, nhưng nhờ trang trí mà trở nên tù túng chật chội kinh dị. Bàn ghế lổn nhổn không đồng bộ, bọc giả da hoa hòe. Mỗi cái bàn vuông được bày biện dưới mặt kính bằng một tấm mút xốp từa tựa như hồ cá. Kèm theo đấy là sỏi, hoa nhựa, vỏ ốc, là con thỏ, thêm mấy cục đá mài nho nhỏ trông giống như tổ ong. Trên bàn đứng chễm chệ cái thực đơn. Đối diện cửa ra vào rơi rớt lại cái bánh chưng và miếng dưa hấu to tướng đỏ lè từ mùa tết cũ. Tất nhiên đều là đồ giả. Tường treo bức vẽ hoành tráng, bức cô gái váy ngắn rua ren kiễng chân múa ba lê trên cái nền màu sắc giống tranh trừu tượng, rối mắt kinh khủng. Có cả một cây đàn ghi ta và trống nữa. Trên bệ cửa song sắt ngoằn ngoèo kiểu cọ ngự một cái lồng chim giả, cây nến thơm bự tổ chảng và vô số bông mai vàng có nhụy bằng kim tuyến. Một sợi dây ngang qua toàn bộ những thứ ấy, giăng mớ cờ đuôi nheo màu xanh ngọc chấm bi, in chữ Let’s party. Sao người ta có thể gom góp thế này cơ chứ!
Đối lập với sự rườm rà ấy là cảnh thưa vắng khách. Ngoài 3 người đều có vẻ là chủ quán với thái độ vồn vã nhưng thiếu chuyên nghiệp lẫn đáng nghi, thì chẳng còn ai khác. Bắng nhắng, mừng rỡ, rối rít, loạn xạ, họ dường như không hề ngạc nhiên trước sự xuất hiện của Ngà.
Còn gần tiếng nữa mới tới giờ hẹn với chị Hương. Chị Hương là em họ của chị Loan. Chị Loan xưa học cùng trường cấp hai với Ngà. Chị Hương chung lớp với người từng là mối tình đầu của Ngà. Cũng lòng vòng dữ à! Chị Loan sau đấy bỏ nhà đi xa làm ăn, lỡ dở tuổi học trò, đã lâu lắm Ngà không nghe tin tức gì. Cuộc sống bận rộn quấy quá. Những ký ức xưa cũ phủ mờ lên trí nhớ của người sống ở thành phố lớn, xa quê như Ngà.
Ngà cũng không rõ mình mong chờ gì ở cuộc gặp này. Hỏi thăm về chị Loan, ôn lại kỷ niệm với đồng hương ư? Hay tìm kiếm cơ hội làm ăn gì đó, kiểu như đánh hàng xách tay về bán cho bạn bè đồng nghiệp? Nào đâu có mục đích gì to tát. Chỉ là Ngà bỗng muốn thử một lần thoát ra cái nếp sống đều đặn, dấn vào một cuộc hẹn bất thường mà thôi. Nhận ra người quen trên mạng, hí hửng kết nối, hào hứng hẹn gặp, tới một cái địa chỉ rối rắm, dành thời gian cho một việc khá là lãng xẹt, vô bổ. Nghĩ tới đây, Ngà nhớ ra là mình đói.
Tô mì gói được nấu với mấy mẩu sườn và rau củ, gợi cảm giác như đồ ăn trong nhà còn dư lại trên bếp. Cảm giác im ắng đi kèm với không gian lạ lẫm kỳ quái khiến Ngà bất chợt thấy có gì đó sai sai. Chẳng ai biết Ngà tới đây cả. Nếu như có một viên thuốc ngủ, hay cái gì đại loại được bỏ vào ly nước, thì họ hoàn toàn muốn “xử lý” Ngà thế nào chả được.
Mấy tình huống rùng rợn kiểu tiểu thuyết trinh thám tự nhiên lởn vởn. Đây sao giống như một hàng quán trá hình ấy nhỉ. Chị Loan có liên quan gì tới bọn ô hợp này không, mà lại chọn địa điểm xa khuất, kín đáo, khó tìm này? Mùi nguy hiểm dường như rình rập loanh quanh. Nào có ai biết hôm nay Ngà đã ngẫu hứng đi đâu về đâu. Sáu con mắt nãy giờ hình như vẫn không ngừng quan sát Ngà. Hay Ngà cả nghĩ quá? Có gì thì tông cửa chạy xuống là xong mà. Họ có chuẩn bị sẵn đợi con mồi là Ngà tới nộp mạng không nhỉ?!
Thế giới bây giờ phẳng, những cuộc hẹn xuất phát từ trên mạng không phải là hiếm hoi. Thế nhưng, ai nấy phải tự biết khôn ngoan chừa đường lui cho mình. Chớ khiến cho người nhà phải vất vả tìm manh mối cho sự mất tích của kẻ thân thích. Ngà rùng mình nhưng không muốn báo cho ai đó là Ngà đã rời cơ quan, chạy sang quận khác, ghé vào một chỗ lạ, đợi gặp một người chưa từng biết mặt. Nhắn cho ai đây nhỉ?
Cho tới hôm nay, Ngà mới nhận ra, lâu lắm vợ chồng Ngà hầu như không nói năng với nhau. Thường chỉ giao tiếp bằng các tin nhắn lịch sự ngắn gọn mà đủ ý. Ngoài ra không còn gì thêm cả. Ngay cả thông báo hành trình mỗi ngày cũng dần bỏ đi. Họa hoằn mới có hôm chồng Ngà bấm mấy chữ “Anh về nhà rồi”. Vậy thôi.
Tính ra, mấy cái ứng dụng liên lạc nhắn tin quen thuộc rất hay. Không cần trả lời gì thì phía bên kia vẫn tự hiểu. Tin vừa đi, báo “đã gửi”. Bên kia nhận được, hiện lên chữ “Đã nhận”. Nếu xem rồi, thì là “Đã xem”. Vậy là xong. Đâu cần hồi âm, nhiều lời.
Ngà lừng khừng ngó quanh trước khi gởi: Em đang ở tầng bốn của số… đường… Em nhắn anh biết chừng. Điện thoại hiện lên “Đã gửi” rồi nháy mắt chuyển sang “Đã nhận”. Đâu chừng 5 phút sau đã đổi thành “Đã xem”. Chưa bao giờ mấy cái chữ tự động vô hồn ấy khiến Ngà căm ghét tới mức ấy. “Đã xem” thì sao chứ! Ngay lúc Ngà quyết định thôi kệ, tới đâu tính tiếp, thì hiện lên câu trả lời: “Ok em”.
Ngà tự dưng thấy mình muốn bật khóc, chẳng vì lý do gì rõ rệt.