Sáng 26-11, Ban An toàn giao thông TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018-2020” và phát động thực hiện năm an toàn giao thông trong thời gian tới trên địa bàn TP. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Báo cáo tóm tắt hoạt động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018-2020” tại hội nghị, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết, chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định "bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông góp phần bảo đảm hệ thống giao thông hoạt động thông suốt phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu". Đến thời điểm này đã có 24 quận, huyện và 26 sở, ban ngành đăng ký thực hiện chủ đề năm an toàn giao thông 2020 “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao bằng khen cho các cá nhân tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đi vào chiều sâu, nội dung phong phú từ thành phố đến cơ sở với hơn 15 ngàn đợt tuyên truyền, thu hút 3,5 triệu lượt người tham dự; lắp đặt hơn 19 ngàn băng rôn, áp phích cố định, phát hơn 3 ngàn đĩa phim và hơn 4 triệu cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông.
Theo Ban ATGT TPHCM, mặc dù tại nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm, tuy nhiên diễn biến còn phức tạp, một số quận - huyện tai nạn giao thông còn tăng cao. Tình hình ùn ứ giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân như: lượng phương tiện đông, sự cố tai nạn, phương tiện hư hỏng, ảnh hưởng các dự án đang thi công, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng kịp và chưa có giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân hiệu quả. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè và chợ tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông. Trong khi đó, một số quận - huyện chưa tập trung kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm để kinh doanh, mua bán, mặt khác do công tác xử phạt chưa nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng chúc mừng các tập thể tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Về cơ sở hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, việc đầu tư phát triển công trình giao thông là 1 trong 7 giải pháp giảm ùn tắc giai đoạn 2015-2020. Đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 57 công trình, dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 11 ngàn tỷ đồng nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông thành phố, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình hình ùn tắc giao thông tại những “điểm nóng” như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…
Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 1, đây là trung tâm đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý điều hành giao thông.
Cổng thông tin giao thông điện tử thành phố với hơn 7,5 triệu lượt truy cập; ứng dụng BusMap cung cấp thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động và vị trí của xe buýt thu hút hơn 870 ngàn lượt tải ứng dụng. Thành phố cũng đã triển khai thí điểm sử dụng vé điện tử dành cho cho xe buýt và lắp đặt hệ thống thanh toán tự động trên 13 tuyến xe buýt, với 162 phương tiện. Triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe thanh toán thông qua ứng dụng MyParking, ViettelPay tại 23 tuyến đường.
Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Liên quan về công tác triển khai thực hiện các dự án giao thông, Sở GTVT TPHCM kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang, nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, đảm bảo dự án triển khai thuận lợi, giảm thiểu tối đa các vướng mắc, khó khăn và tránh đội vốn do việc triển khai chậm. Xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa), kêu gọi đầu tư để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, đáng lưu ý là hạ tầng giao thông thành phố tiếp tục chịu sự tác động trước lượng xe cá nhân tăng nhanh; lòng đường, vỉa hè có nguy cơ bị tái lấn chiếm để làm nơi kinh doanh, buôn bán nếu thiếu kiểm tra giám sát. Tình trạng này tái diễn, một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy số người chết do tai nạn giao thông có giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu không có sự tập trung với nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Ban An toàn giao thông thành phố nâng chất hơn nữa phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2020 - 2025 để hoạt động này thấm sâu đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thành phố.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ban ATGT TPHCM tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 34 ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tham mưu UBND TP phát động phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2020 -2025 gắn liền với các nội dung, chương trình, phần việc cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11. Trong đó, đưa phong trào thi đua trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với từng cơ quan, đơn vị và là một hoạt động thường xuyên trong đời sống hằng ngày của người dân thành phố. Phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí từ 5% trở lên.
Đối với các sở ban ngành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, chú trọng đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, đường sắt; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát hiệu quả phương tiện cơ giới cá nhân... Ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Phấn đấu hoàn thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị giai đoạn 2 vào năm 2025.
Năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 10,5%, số người chết giảm 4%, số người bị thương giảm 28,8%.
Năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,5%, số người chết giảm 10,3%, số người bị thương giảm 2,7%.
9 tháng đầu năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8%, số người chết giảm 14,1%, số người bị thương giảm 12,4%.