Ông NGUYỄN THÀNH (Giám đốc Công ty TNHH MTV Đông Gia):
Điều chỉnh luật để xử án nhanh
Tai nạn giao thông (TNGT) đã gây tử vong rất lớn ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua; trong đó, nhiều vụ có nguyên nhân lái xe sau khi đã uống rượu bia. Ở nhiều nước, việc điều khiển xe sau khi uống rượu bia gây TNGT bị áp dụng hình phạt tù về hành vi cố sát. Trong khi đó, ở nước ta còn xử lý rất nhẹ.
Mới đây, một phụ nữ không có giấy phép lái xe đã uống rượu bia có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, gây ra TNGT làm 1 người chết và nhiều người bị thương nặng, mà chỉ bị hội đồng xét xử tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù. Hình phạt như vậy không đủ răn đe.
Lâu nay luật pháp nước ta vẫn mắc phải tình trạng “chế tài không đủ sức răn đe”. Do vậy, khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia, là cơ hội để thể hiện thái độ quyết liệt trong việc nói không với rượu bia, bảo vệ tính mạng của những người dân vô tội. Vấn đề là làm sao áp dụng vào thực tế ở Việt Nam.
Nhiều người còn băn khoăn, cho rằng do trong cộng đồng đã thành thói quen cứ họp mặt là uống rượu bia, rồi ai cũng tự chạy xe về, nên nếu muốn xử lý hình sự đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia thì sẽ khó khả thi, vì số bị cáo sẽ rất lớn, không tòa án nào giải quyết cho xuể.
Do vậy, theo tôi, pháp luật nước ta cũng nên điều chỉnh để có thể xử nhanh gọn và đúng pháp luật đối với các vụ án phạt tù ngắn ngày do hành vi lái xe khi đã uống rượu bia.
Doanh nghiệp vận tải phải nâng nhận thức cho tài xế
Là giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, chuyển phát nhanh, với hàng trăm đầu xe chạy trên đường mỗi ngày, tôi rất quan tâm đến việc cấm hay không cấm lái xe uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông. Với đặc thù công việc nên tôi thấy rõ tác hại khủng khiếp của TNGT.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do người điều khiển phương tiện giao thông đã uống rượu bia. Ngoài thiệt hại về nhân mạng, con số thiệt hại về vật chất cũng rất lớn. Đối với doanh nghiệp vận tải, rủi ro về TNGT không chỉ phải ngưng, gián đoạn công việc mà còn tốn tiền đền bù, ảnh hưởng đến thương hiệu. Những biện pháp chế tài đối với lái xe uống rượu bia phải đủ mạnh. Quy định cấm tuyệt đối lái xe uống bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết, để hạn chế TNGT.
6 tháng nữa Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ có hiệu lực thực thi; trong thời gian này, từng doanh nghiệp vận tải nên tập trung nhắc nhở, giáo dục nâng nhận thức của tài xế, siết chặt nội quy về việc không lái xe khi đã uống rượu bia.
Ông TRẦN THỐNG (cựu chiến binh phường 28 quận Bình Thạnh, TPHCM):
Biết chừa một lối về, biết điểm dừng
Ở nước ta, việc uống rượu bia trở thành một thói quen khi giao lưu, họp mặt. Dù có người có thói quen uống một ly rượu nhỏ khi ăn cơm, nhưng những người cao tuổi chúng tôi luôn ý thức rằng uống rượu bia nhiều không tốt cho sức khỏe. Nay, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua, việc hạn chế rượu bia được luật hóa, đây cũng là cơ sở để mọi người cẩn trọng hơn, không lạm dụng rượu bia.
Anh em chúng tôi có cách để giữ an toàn cho mình và không phạm luật. Khi đi họp mặt, giao lưu, dự đám tiệc có uống rượu bia thì nên tính trước. Nếu nhà gần nhà hàng, quán bia nơi tổ chức tiệc thì rủ nhau đi bộ. Nếu xa thì những người gần nhà nhau sẽ đi chung xe taxi. Khi uống với nhau thì cụng ly, nhưng không cụng nhiều lần hay uống nhiều bia trong ly. Một cái nhấp môi cũng là trọn tình với nhau rồi, đâu nhất thiết phải “100%”.
Nếu thấy ai đã ngà ngà say thì anh em không ép uống. Tửu lượng mỗi người mỗi khác, do vậy không nên ép nhau uống. Lâu nay đã xảy ra quá nhiều vụ uống say rồi chấp nhất lỗi phải, hơn thua, dẫn đến xô xát, đánh nhau. Nay đã có luật thì chúng ta phải cảnh giác và hết sức tránh phạm luật. Khi gặp nhau và có uống rượu bia, cần biết chừa một lối về, biết điểm dừng và không liều tự chạy xe về. Dứt khoát đã uống rượu bia, dù chỉ một chút cũng không lái xe.