Để chuẩn bị kỳ họp của Quốc hội sắp khai mạc, Bộ Nội vụ vừa có báo cáo kết quả thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 (thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV) về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Theo Báo cáo vừa được Bộ này gửi đến Quốc hội, Bộ đã có Tờ trình số 224/TTr-BNV ngày 14-11-2016 trình Ban Cán sự đảng Chính phủ về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu (nhất là việc xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và các quy định của pháp luật). Đồng thời, đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức.
Trên cơ sở đó, ngày 2-12-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản số 70/UBTVQH14-PL giao Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Triển khai thực hiện nhiệm vụ, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đang được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, tập trung vào việc đổi mới nội dung, hình thức thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tổ chức thi tuyển để khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thi, hạn chế việc xét tuyển công chức, viên chức không qua thi tuyển; bảo đảm công khai, minh bạch trong tuyển dụng.
Công tác tinh giản biên chế cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là: 5.778 người; trong đó: 4.737 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 1.027 người hưởng chính sách thôi việc, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Năm 2016, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là: 11.923 người; trong đó: 10.390 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 1.503 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 14 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 16 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Từ đầu năm 2017 đến nay, tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 5.062 người; trong đó: 4.437 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 616 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 5 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 6 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thiếu vốn, nhà xã hội gặp khó
Trong Báo cáo trả lời chất vấn của ĐBQH vừa được Bộ Xây dựng gửi tới Quốc hội, các quy định mới về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, được các cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn đang là một trở ngại rất lớn.
Cụ thể, với Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ), tính đến tháng 12-2016, các địa phương đã hỗ trợ được 12.964 hộ, đạt 50% so với kế hoạch. Quý I năm 2017 không triển khai do thiếu nguồn vốn.
May mắn hơn, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 2) thực hiện theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao (đạt tỷ lệ 99%) và đã bố trí cho 52.220/55.939 hộ dân vào ở an toàn trong các cụm, tuyến (đạt tỷ lệ 93,4%). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 7-4-2016 báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kéo dài thực hiện Chương trình trong giai đoạn từ 2016-2020. Tuy nhiên, cho đến nay chương trình này vẫn chưa được phê duyệt do thiếu nguồn vốn.
Đến hết năm 2016, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21-8-2014 của Chính phủ đã giải ngân hết, trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội hiện chưa được triển khai, nên hiện có tới 191 dự án đang tiếp tục triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ, hoặc tạm dừng thi công.
“Cũng đã có một số chủ đầu tư đang xin chuyển đổi thành các dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, cử tri của nhiều tỉnh, thành phố đã gửi kiến nghị tới Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội”, Bộ này cho biết.
Trong khi đó, vẫn theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2016 và quý I năm 2017 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho tiếp tục giảm mạnh; tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống... Tính đến tháng 4-2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản chỉ còn khoảng 28.369 tỷ đồng, so với Quý I/2013 đã giảm 100.179 tỷ đồng (giảm 77,93%); so với tháng 12-2015 giảm 22.520 tỷ đồng (giảm 44,25%); so với tháng 12-2016 giảm 2.654 tỷ đồng (giảm 8,55%); so với 20/3/2017 giảm 624 tỷ đồng.