Do giá xăng dầu thế giới có xu thế tăng, tỷ giá USD/VNĐ tăng, đồng thời cơ quan điều hành đã tính lại giá cơ sở xăng dầu để đảm bảo “tính đúng, tính đủ” cho các doanh nghiệp, chiều 21-10, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh lại giá bán lẻ xăng dầu ở thị trường nội địa.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 đã tăng lên, ở mức 21.496 đồng/lít; xăng RON95-III ở mức 22.344 đồng/lít. Dầu diesel cũng tăng lên, ở mức 24.783 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 23.663 đồng/lít; trong khi dầu mazut 180CST 3.5S giảm còn 13.899 đồng/kg.
Cùng ngày, Bộ Tài chính có công văn trả lời Bộ Công thương sau khi nhận được đề nghị tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để tính đúng tính đủ trong giá cơ sở.
Trong công văn, Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 2 lần theo đúng báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: lần 1 vào ngày 10-1-2022 và lần 2 vào ngày 10-7-2022. Đối với khoản lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Thông tư số 104/2021/TT-BTC thì lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức giá cơ sở xăng dầu là 300 đồng/lít (hoặc kg).
“Các yếu tố cấu thành giá đã được phản ánh đầy đủ từ giá nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông, bán hàng và các khoản chi phí về thuế; yếu tố lợi nhuận định mức để đảm bảo nguyên tắc hoạt động kinh doanh, cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu”, công văn của Bộ Tài chính khẳng định.
Lợi nhuận thực tế trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào kết quả hoạt động của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính khẳng định đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh theo thực tế phát sinh trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá của Bộ Công thương, báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, số liệu khảo sát kiểm chứng thực tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương rà soát, đánh giá để xem xét điều chỉnh các khoản chi phí trong trường hợp có biến động bất thường theo quy định.
Bộ Tài chính cũng có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu; đồng thời đề nghị Bộ Công thương cung cấp thêm các số liệu cụ thể và có đánh giá, làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí này sau khi đã được điều chỉnh để có cơ sở triển khai thực hiện theo quy định. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương có văn bản phúc đáp trước ngày 25-10.