Chiều 16-3, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà bắt đầu trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng trả giá cao ngất trong các phiên đấu giá đất (rồi bỏ cọc), chỉ để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua. Bên cạnh đó là việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19…
21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai liên thông thuế
Báo cáo bằng văn bản đến ĐBQH trước khi trả lời trực tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản đã hoàn thành trên 43 triệu thửa đất với trên 22 triệu hồ sơ và đưa vào vận hành, quản lý khai thác sử dụng trong hệ thống văn phòng đăng ký đất đai; có 61/63 tỉnh, thành đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ hành chính về đất đai qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai liên thông thuế.
Liên quan đến nhiệm vụ “nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch, quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không tại các đô thị; chỉ đạo các địa phương nghiên cứu triển khai quy hoạch không gian ngầm trên địa bàn”, Bộ TN-MT đã tổ chức triển khai các đề tài, giao nhiệm vụ nghiên cứu về quy hoạch không gian ngầm và công trình ngầm và đưa nội dung này vào nội dung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW để làm căn cứ sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Về rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật, Bộ trưởng cho biết, đây là các nội dung nhạy cảm về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế, do đó, Bộ Công an đã có Báo cáo số 71/BC-ANKT ngày 21-1-2020. Bộ TN-MT đã có Báo cáo số 225/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 6-7-2020 góp ý báo cáo số 71/BC-ANKT của Bộ Công an đề xuất các giải pháp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan (các báo cáo này được thực hiện theo chế độ mật).
Áp lực từ xả thải tăng nhanh
Vẫn theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, hiện nay, môi trường nước ta đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Cả nước hiện có 291 khu công nghiệp (KCN), 730 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động; 869 đô thị; 4.575 làng nghề, 13.752 trang trại chăn nuôi; hơn 4,1 triệu xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành; 13.674 cơ sở y tế; gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 30 nhà máy nhiệt điện than; trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; hàng chục các khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất về bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực. “Trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thì các áp lực đến môi trường sẽ ngày càng lớn”, báo cáo nhấn mạnh.
"Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều cơ chế chính sách mới đã hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao được kiểm soát chặt chẽ" - người đứng đầu ngành TN-MT khẳng định. Nhiều dự án lớn như Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS), Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng đất nước…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ những tồn tại, thách thức cần tập trung giải quyết. Theo ông, việc chuyển đổi mô hình công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường đối với một số cơ sở sản xuất; đầu tư các công trình phòng ngừa ứng phó, sự cố môi trường, hệ thống giám sát chất thải tự động, liên tục tại một số cơ sở sản xuất quy mô lớn, thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp, mới đạt tỷ lệ 19,3%. Vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất công nghiệp xả trộm, lén lút xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra ngoài môi trường.