Ngày 25-9, TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an" gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ về văn hóa, văn minh đô thị.
20 năm nhìn lại
Vào năm 2000, TP Đà Nẵng đã quyết định ban hành một chủ trương để tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, đó là chương trình "Thành phố 5 không”: Không có hộ đói - Không có mù chữ - Không có người lang thang xin ăn - Không có người nghiện ma túy - Không có giết người cướp của.
Đến năm 2005, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, đặc biệt là công cuộc quy hoạch, thu hút đầu tư sôi động, cũng như hướng đến xây dựng con người Đà Nẵng đáp ứng với nhu cầu phát triển, TP Đà Nẵng đã ban hành Chương trình “3 có”: Có nhà ở - Có việc làm - Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Trước những vấn đề nóng bỏng về tình hình tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, băng nhóm xã hội đen, tội phạm sử dụng, buôn bán ma túy gây mất an ninh trật tự. Vào năm 2016, TP Đà Nẵng đã quyết định ban hành Chương trình “4 an”: An ninh trật tự - An toàn giao thông - An toàn thực phẩm - An sinh xã hội.
TP Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng và giải quyết bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, nhà liền kề đã giảm áp lực về chỗ ở cho người dân trên địa bàn thành phố; hàng năm giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,4%.
Về an ninh trật tự đã điều tra, khám phá gần 2.000 vụ vi phạm về phát tán tài liệu, sử dụng công nghệ cao, cướp tài sản, tội phạm tín dụng đen... nhờ vậy Đà Nẵng không còn xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Từ năm 2016 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương...
Công tác phòng, chống ma túy có lúc, có nơi còn thiếu tính quyết liệt, thiếu sự đồng bộ. Việc cai nghiện chủ yếu là tập trung bắt buộc còn việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn chưa phát huy hết hiệu quả.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra trên địa bàn còn nhiều vấn đề vướng mắc về phiên dịch, dịch thuật, khó khăn trong hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ...
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chương trình
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, sau 20 năm triển khai thực hiện các chương trình, hầu hết các nhiệm vụ được giao đều đạt được những kết quả tích cực, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều chính sách giải pháp, cách làm sáng tạo.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư một số dự án lớn cùng với các chính sách giải quyết nhu cầu bức xúc nhà ở của người dân, xây dựng các phong trào, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cho người dân.
Ông Lê Trung Chinh cho rằng, để thực hiện được điều này, phải có sự quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các đoàn thể và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định thành công của chương trình.
Ông Lê Trung Chinh cho rằng, cần rà soát tình hình, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải. Đồng thời, coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức sinh động, phù hợp chức năng của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành ủy đã thay mặt Ban Thành ủy Đà Nẵng thống nhất với các phương hướng đã được UBND TP nêu ra. Ông cho rằng giá trị văn hóa, con người đang trở thành yếu tố để hướng đến cho đầu tư và phát triển trong thời gian đến.
Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cấp ủy xác định việc thực hiện các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, quyết liệt, sáng tạo, có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ trong việc triển khai các chương trình phù hợp với thực tiễn đặc điểm của địa phương nhằm đạt được mục tiêu mà chúng ta đề ra.
“Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là phát triển gắn với giải quyết chặt chẽ các vấn đề xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển và mọi người dân của thành phố đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất. Đảm bảo thành phố phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống theo đúng tinh thần của Nghị quyết 43 Bộ Chính trị đã đề ra”, ông Nguyễn Văn Quảng chia sẻ.