Tổng Thư ký vừa gửi báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ và ngày phiên họp toàn thể về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội. Theo báo cáo, đã có 68 ý kiến phát biểu về vấn đề này (65 ý kiến tại phiên họp tổ, 3 ý kiến tại phiên họp toàn thể). Trong đó, có tới 43 ý kiến đề nghị kéo dài thời gian áp dụng việc giảm thuế, vì nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 thì chưa đủ để chính sách đi vào cuộc sống và cũng không giúp được nhiều cho doanh nghiệp, người dân hưởng lợi, phát huy được tác dụng và hiệu quả của chính sách.
Cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thời gian áp dụng chính sách có thể đến hết năm 2024 để chính sách phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, chủ động trong dự toán thu, chi ngân sách năm 2024. Một số ý kiến khác đề nghị có thể áp dụng chính sách đến ngày 1-7-2024.
Có ý kiến đề nghị thời gian áp dụng khoảng 9 tháng để góp phần kích cầu tiêu dùng; có ý kiến cho rằng, có thể kéo dài thời gian áp dụng chính sách, nhưng mức độ kéo dài cần tính toán đối với một số khu vực có tính tăng trưởng cao hơn, một số lĩnh vực ưu tiên hơn...
Theo tờ trình của Chính phủ, bất động sản không thuộc nhóm hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế |
Có ý kiến cho rằng, nghị quyết nên có quy định mở để có thể được tiếp tục kéo dài, Quốc hội cho phép ủy quyền lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể gia hạn trên cơ sở đề xuất của Chính phủ về kéo dài việc thực hiện chính sách tiếp 6 tháng đầu năm 2024 hoặc cả năm 2024 sẽ hợp lý hơn để không bị gián đoạn trong thực hiện chính sách.
Về phạm vi, đối tượng được giảm thuế GTGT, một số ý kiến đề nghị mở rộng hơn theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT. Loại ý kiến này lưu ý, khi giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, thu ngân sách đã không giảm mà còn tăng hơn 400.000 tỷ đồng so với số dự toán và tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Hơn nữa, việc loại trừ một số nhóm hàng hóa theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 dẫn đến khó khăn trong việc xác định các mặt hàng thuộc danh mục được giảm thuế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Một số trường hợp gặp khó khăn trong áp dụng thuế suất GTGT đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất…
Có ý kiến ĐB đề nghị giảm thuế GTGT cho cả mặt hàng xăng, dầu |
Về mức giảm thuế GTGT 2% (giữ như Nghị quyết số 43/2022/QH15), nhiều ý kiến đồng ý. Cá biệt có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm tới 4%, hoặc 5%.