Ngày 25-12, Bộ Tư pháp cho biết, năm 2023 đã cùng các địa phương ưu tiên tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai dự án đầu tư công về xây dựng CSDLHTĐT và thực hiện số hóa sổ hộ tịch. Tính đến nay, đã có 54/63 tỉnh, thành phố đang triển khai thực hiện số hóa sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, số sổ hộ tịch đã được số hóa là trên 2,5 triệu sổ với gần 50 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào CSDLHTĐT trên 36 triệu dữ liệu.
Năm 2023, số lượng đăng ký khai sinh trong nước tiếp tục giảm so với năm trước. Các địa phương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 1,5 triệu trường hợp (giảm 13,9% so với năm 2022), đăng ký khai sinh lại cho 535.868 trường hợp (giảm 39,6% so với năm 2022); đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 8.038 trường hợp.
Cùng với đó, các cơ quan đăng ký hộ tịch cũng đã đăng ký khai tử cho tổng số 661.578 trường hợp (giảm 11,7% so với năm 2022); đăng ký kết hôn cho tổng số 704.726 cặp (giảm 6% so với năm 2022); đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 24.804 trường hợp chia theo giới tính công dân Việt Nam cư trú trong nước.
Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc; nghiên cứu, xây dựng báo cáo trình Chính phủ về kết quả nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1961 về giảm thiểu tình trạng không quốc tịch, nhằm đẩy mạnh việc giải quyết giấy tờ quốc tịch, hộ tịch, cư trú cho người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân, người di cư, những đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương…
Năm 2023, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước các hồ sơ thôi quốc tịch Việt Nam; 6 hồ sơ xin nhập và 29 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 3.358 trường hợp.