Xung quanh dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 54) thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thành viên cơ quan thẩm tra, đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về sự cần thiết ban hành, những nội dung chủ yếu của dự thảo nghị quyết mới, những ý kiến đồng thuận và cả những băn khoăn.
- Phóng viên: Hầu hết các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khi thảo luận về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đều đồng thuận về sự cần thiết sớm ban hành nghị quyết mới. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?
- Ông TRẦN VĂN LÂM: Theo báo cáo của Tổng thư ký (Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - PV) thì hầu hết ý kiến thảo luận tổ đều nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại kỳ họp thứ 5. Chỉ có 1 ý kiến đề nghị không ban hành Nghị quyết và cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết 54. Kết quả thảo luận ở hội trường thì cũng đồng thuận rất cao.
Ông Trần Văn Lâm |
- Ông đánh giá như thế nào về bản dự thảo nghị quyết lần này?
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thẩm định rất nhiều cơ chế đặc thù của các địa phương, nhưng Nghị quyết của TPHCM lần này có thể nói là đã được chắt lọc, nghiên cứu một cách kỹ càng; bao gồm rất nhiều cơ chế, chính sách mạnh mẽ; trong đó có cả một số nội dung đã có trong các luật đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi. Nếu được thông qua thì kể cả sau này luật có sửa khác đi, TPHCM vẫn được thực hiện theo nghị quyết này. Đặc biệt có 27 chính sách là hoàn toàn mới đề xuất riêng cho TPHCM. Các chính sách được đề xuất rất phong phú, đa dạng và mang tính cách mạng rất lớn.
- Ông có thể dẫn chứng một điểm mang tính chất đột phá?
Chẳng hạn về đầu tư. Một trong những chính sách đột phá là mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông (TOD). Hiểu nôm na thế này, là trên một tuyến giao thông hoặc các đầu mối giao thông, mật độ đã được quy định sẵn rồi. Bây giờ TPHCM đề nghị được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, mặc dù trong tổng thể của cả một khu, một đồ án quy hoạch trước đây thì vẫn đảm bảo không thay đổi.
Khi giải phóng mặt bằng cho phép giải phóng toàn bộ khu vực. Sau đó, các dự án cụ thể, cả nhóm A, nhóm B, nhóm C trong khu vực đó sẽ được đấu thầu, chứ không phải là cứ dự án nào đi giải phóng dự án đấy. Nhóm A, nhóm B, nhóm C sau này nằm trong mảnh đất đấy và đấu thầu. Đây có thể nói là một biện pháp mang tính cách mạng trong vấn đề quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng ở những vị trí có lợi thế về đất đai, địa tô chênh lệch lớn, giúp TPHCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện dự án.
- Thế còn cơ chế đầu tư đối tác công - tư, thưa ông?
Dự thảo dự kiến cho phép áp dụng đối tác công - tư BOT đối với đường hiện hữu. Ở TPHCM bây giờ mà xây dựng đường mới thì khó lắm, chủ yếu nâng cấp hệ thống hạ tầng cũ. Nhưng muốn đường tốt lên để phục vụ tốt hơn thì phải đầu tư. Trong lúc đầu tư nhà nước chưa bố trí được thì cho phép làm trên đường hiện hữu. Về phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) thì dự kiến cho phép TPHCM làm BT và Nhà nước trả bằng tiền chứ không phải bằng đất và tiền này thanh toán dần trong giai đoạn sau. Cụ thể hợp đồng thế nào thì TPHCM phải tính toán.
Nhìn chung, về tài chính ngân sách, cơ bản là kế thừa một số chính sách cũ trước đây. Điểm mới là nới room tín dụng, cho phép TPHCM được đi vay tới 120% số thu ngân sách trên địa bàn thông qua phát hành trái phiếu. Quy định này nhằm giúp đáp ứng nhu cầu vốn cho một loạt công trình, dự án đầu tư quy mô lớn… Một điểm mới đáng lưu ý nữa trong cơ chế tài chính thành phố là có Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước (HFIC) vừa mang tính chất của một quỹ đầu tư của thành phố, vừa mang tính chất của một doanh nghiệp. Công ty này được thành lập với mong muốn để sử dụng nguồn lực của TPHCM.
- Ông có nhận xét gì về tổ chức bộ máy?
Có rất nhiều đổi mới, nhưng tập trung vào hai vấn đề chính. Một là phân quyền, tức là cho phép TPHCM ủy quyền cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc của TP những nhiệm vụ mà đúng ra là nhiệm vụ của Chủ tịch UBND. Một số nhiệm vụ của UBND TP thì có thể ủy quyền cho đơn vị trực thuộc và ủy quyền này cũng được áp dụng cho đối với TP Thủ Đức, tức là Thủ Đức cũng có thể áp dụng cho các đơn vị trực thuộc của mình. Thứ 2, về cán bộ cấp xã. Ở TPHCM hiện nay tồn tại hai hệ tổ chức, một hệ là áp dụng chính quyền đô thị, theo luật quản lý cán bộ, công chức nói chung.
Thế nhưng còn một số xã của TPHCM thì mặc dù quy mô rất lớn, tính chất quản lý phức tạp và đòi hỏi về chất lượng cán bộ cũng rất cao, lại đang áp dụng các tiêu chuẩn tuyển dụng, đề bạt, bố trí sử dụng, đãi ngộ như là cán bộ xã của địa phương khác. Quy định mới sẽ hợp nhất chế độ chính sách giữa cán bộ xã và cán bộ phường, thực ra không phải là quá mới, chỉ là xóa bỏ sự phân biệt chênh lệch để tạo thêm động lực làm việc cho cán bộ của TPHCM.
Tóm lại, một bản nghị quyết, đảm bảo chất lượng, khả thi sẽ như một “tấm áo mới” vừa vặn hơn với “thể lực” của TPHCM. Một đô thị lớn như TPHCM mà khoác chung một chiếc áo cơ chế, chính sách như các địa phương khác thì nhiều việc sẽ bức bách, không phát huy được điều kiện, tiềm năng, lợi thế.
- Có ý kiến còn băn khoăn về việc chưa có tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm Nghị quyết 54, thưa ông?
Băn khoăn đó không chính xác. Nghị quyết 54 là thí điểm một số chính sách thực hiện trong 5 năm, đến hết năm 2022 hết hiệu lực. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã tổng kết việc thi hành và báo cáo Quốc hội; trên cơ sở đó Quốc hội đã thảo luận và cho phép kéo dài, tiếp tục thực hiện các cơ chế trong Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, và yêu cầu trong thời gian đó xây dựng nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54. Do đó dự thảo nghị quyết lần này đã cân nhắc rất kỹ trên cơ sở đánh giá, kế thừa, rút kinh nghiệm từ cả những thành công hay hạn chế, thậm chí là thất bại của các chính sách trong Nghị quyết 54.
Khác với nghị quyết dành cho địa phương khác, dự thảo nghị quyết lần này dự kiến quy định, hàng năm TPHCM sẽ xây dựng báo cáo, kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết để báo cáo Quốc hội. Việc này là để Quốc hội có thể tháo gỡ ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình. Ví dụ vừa rồi có một chính sách mà TPHCM không thực hiện được suốt 5 năm. Đó là bán các cơ sở đất đai mà các bộ, các cơ quan Trung ương ở thành phố đang quản lý nhưng không sử dụng gì cả, để “treo” đấy.
- Một nội dung khác mà vừa rồi, khi bàn về Luật Nhà ở, các đại biểu cũng đã có ý kiến tranh luận, liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, đó là mỗi dự án nhà ở thương mại phải dành ra 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Dự thảo nghị quyết xử lý vấn đề này như thế nào?
Tôi cũng cho rằng quy định này sẽ gỡ vướng, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc triển khai các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Dự thảo đề xuất là TPHCM có thể quyết định dành 20% quỹ đất tương đương để xây dựng nhà ở xã hội ra một chỗ khác, ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại, vị trí do thành phố quy định phù hợp, còn dự án dành lại toàn bộ cho nhà đầu tư. Đây cũng là một cơ chế đang được nghiên cứu để sửa đổi trong Luật Đất đai. Tôi cho rằng đây là chính sách rất hợp lý, song cần cụ thể thêm để thuận lợi cho thực hiện. Vấn đề này HĐND TP phải tính toán.
Đó là 20% quỹ đất này thì ghi ở trong nghị quyết là TPHCM sẽ bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác, tương đương về quy mô. Tương đương về quy mô được hiểu như thế nào? Quy mô diện tích hay giá trị? Chỗ này là phải làm rõ, chứ nếu chỉ nói chung chung thì sau này không ai dám quyết.