Bên cạnh đó, phương pháp này có 100% nguồn gốc thực vật, có nhiều tiềm năng thay thế da động vật trong sản xuất túi và ví. Nấm cũng có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thay thế giấy và cotton.
Nhóm nghiên cứu sử dụng bào tử nấm có tên Rhizopus delemar có trong thức ăn đang phân hủy. Rhizopus delemar được nuôi bằng bánh mì hết hạn, đem phơi khô và nghiền nhỏ rồi trộn với nước trong lò phản ứng quy mô nhỏ. Hai ngày sau khi nấm “ăn” bánh mì, các nhà khoa học loại bỏ protein, lipid và các sản phẩm phụ trong tế bào nấm. Rhizopus delemar sẽ tạo ra các sợi tự nhiên có thành phần chitin và chitosan trên thành tế bào. Các tế bào nấm sau đó được cán phẳng và phơi khô để hình thành vật liệu giống với da.
Loại “da nấm” này khá mỏng và không mềm dẻo. Do đó, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm phiên bản bao gồm nhiều lớp tế bào nấm phối hợp để mô phỏng được da động vật. Vật liệu tổ hợp này sẽ gồm những lớp được xử lý với tannin nguồn gốc thực vật nhằm tạo tính mềm mại phối hợp lớp được xử lý với kiềm để tăng độ bền. Trong quá trình phát triển loại da nhân tạo này, các nhà nghiên cứu không sử dụng hóa chất độc hại hoặc bổ sung chất có thể gây hại cho môi trường.