Chiều 16-4, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký văn bản số 2227/UBND-SGDDT về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước trường học.
Trước những nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội đối với học sinh trước cổng các trường học, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng tăng cường kiểm tra các kho hàng, nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thường được các hàng quán bán cho học sinh trước cổng trường.
Phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực… nhập lậu.
Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm đối với các hàng, quán trước cổng trường học; khống chế tỷ lệ người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính.
UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã phường, phối hợp chặt chẽ với mặt trận, đoàn thể thực hiện nghiêm giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước cổng trường học. Trong đó, chú trọng xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe không đúng quy định trước cổng trường học.
Công an TP Đà Nẵng, Sở GTVT Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chống ùn tắc giao thông, đậu đỗ xe không đúng quy định trước cổng trường học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đúng quy định.
Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều 16-4, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo các phụ huynh nên mua ở địa chỉ có uy tín khi lựa chọn đồ chơi cho con trẻ.
Ngoài ra, hạn chế học sinh tiểu học mang tiền đến trường; giáo dục con em sự nguy hiểm về mất vệ sinh an toàn thực phẩm trước cổng trường và không giao xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định.
Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục duy trì việc yêu cầu giáo viên dạy tiết cuối ngày (đối với trường dạy 2 buổi/ngày), tiết cuối buổi (đối với trường không dạy 2 buổi/ngày), dành 1 – 2 phút nhắc nhở học sinh các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước như: tham gia giao thông an toàn; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; cảnh giác trước mối nguy hiểm của đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Các đơn vị duy trì nghiêm túc chế độ trực bảo vệ tại cổng trường, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ quan, đơn vị, trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp cơ quan chức năng bắt giữ người phạm tội (nếu có).
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước các cấp lãnh đạo về việc thiếu trách nhiệm trong công tác theo dõi, báo cáo các cơ quan chức năng các nguy cơ không đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước cổng trường.
Chiều 16-4, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, cho đến chiều 16-4, có tổng cộng 35 em học sinh của Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương bị ngộ độc. Trong đó, 14 em đã được xuất viện về nhà; 15 em đang điều trị tại Bệnh viện Hòa Vang với sức khỏe ổn định; 6 em đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, trong đó 5 em đã ổn, 1 em còn ở cấp cứu vì có bệnh nền. Chiều cùng ngày, Thượng tá Mai Chiến Thắng, Trưởng Công an huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết, đang chờ kết quả xét nghiệm đồ chơi để xác định nguyên nhân khiến 35 học sinh Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương nhập viện cấp cứu với các triệu chứng buồn nôn, khó thở, đau đầu. “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin có nhiều học sinh ngộ độc, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện khẩn trương có mặt tại trường học và bệnh viện để ghi nhận thông tin và thu thập mẫu đồ chơi để gửi đi xét nghiệm”, Thượng tá Thắng thông tin. |